Trẻ ngủ trước 22h, vận động xây dựng sức bền như bơi lội thường xuyên, tắm nắng và ăn uống đủ dưỡng chất để tăng chiều cao hiệu quả.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, khuyến cáo phụ huynh có chế độ dinh dưỡng cân bằng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bé cần bổ sung thực phẩm chứa canxi, sắt, kẽm, iod, magie, phốt pho, vitamin D, protein, lysin như sữa, hải sản, thịt đỏ, rong biển, trứng… để tăng chiều cao.

Chia nhỏ khẩu phần trong ngày: Trẻ nên dùng bữa cách nhau mỗi 3-5 giờ. Trẻ nhỏ và trẻ đang dậy thì nên dùng 6 bữa nhỏ mỗi ngày. Thanh thiếu niên nên ăn ba bữa mỗi ngày, không bỏ bữa.

Duy trì cân nặng phù hợp: Béo phì tác động tiêu cực đến chiều cao. Nếu trọng lượng cơ thể quá nặng có thể khiến xương, khớp chịu áp lực, làm vóc dáng thấp hơn. Phụ huynh cần hạn chế cho bé tiêu thụ đồ ăn vặt, chứa nhiều đường; nên chiếm dưới 10% tổng lượng thức ăn hàng ngày. Bố mẹ cũng cần đảm bảo con có bữa sáng đầy đủ dưỡng chất.

Tắm nắng đúng cách tổng hợp vitamin D: Trẻ đang dậy thì thiếu vitamin D dễ thấp còi, chậm lớn vì khả năng hấp thụ canxi của cơ thể giảm xuống. Trẻ nên tắm nắng trong khoảng 9-15h vì lúc này cường độ tia UVB trong ánh nắng đủ để kích thích những phản ứng giúp tổng hợp vitamin D3.

Tránh tắm nắng quá lâu, thay đổi vùng da tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên để không bị kích ứng, nóng rát, đảm bảo an toàn.

Ngủ đúng giờ: Trẻ nên ngủ trước 22h để có thể ngủ sâu trong khoảng thời gian 22-3h. Đây là lúc cơ thể tiết ra nhiều hormone tăng trưởng. Loại hormone này giúp mô và xương phát triển. Dưới đây là thời gian ngủ mỗi ngày được khuyến khích theo từng độ tuổi.

Độ tuổiThời gian ngủ
Dưới ba tháng tuổi14-17 giờ
3-11 tháng tuổi12-17 giờ
1-2 tuổi11-14 giờ
3-5 tuổi10-13 giờ
6-13 tuổi9-11 giờ
14-17 tuổi8-10 giờ
Từ 18 tuổi trở lên7-9 giờ

Thường xuyên luyện tập: Thói quen này hỗ trợ hệ xương phát triển. Khi luyện tập thể thao, trọng lượng có thể được duy trì ở mức ổn định, thúc đẩy sản xuất hormone tăng trưởng. Phụ huynh khuyến khích trẻ tập thể dục tối thiểu một giờ mỗi ngày, nên tập trung vào bài tập xây dựng sức bền như bơi. Bé có thể phối hợp tập yoga, đạp xe, nhảy dây, aerobic…

Hạn chế căng thẳng: Stress cũng tác động đến nội tiết tố, ảnh hưởng đến chiều cao. Môi trường sống của bé cần trong lành, thoải mái.

Bác sĩ Duy Tùng lưu ý bố mẹ đưa con đến cơ sở y tế khám khi bé chậm phát triển, hay ốm. Trẻ được đánh giá toàn diện tình trạng dinh dưỡng, xét nghiệm để định lượng nồng độ vi chất trong cơ thể. Từ đó bác sĩ tư vấn điều trị, xây dựng khẩu phần phù hợp giúp bé tăng trưởng tốt.

Kim Thành (vnexpress)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *