Bé gái mắc hội chứng Budd Chiari rất hiếm gặp, có chỉ định ghép gan. Đây cũng là trường hợp đầu tiên mắc hội chứng này được ghép gan tại Việt Nam.

Ca ghép gan diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại buổi chia sẻ với báo chí về tình hình ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chiều 10/7, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vân Khánh, Phó khoa Gan – Mật – Tụy và Ghép gan, cho biết bệnh nhi 3 tuổi 9 tháng, đến từ Bình Thuận, lần đầu được đưa vào cơ sở này điều trị khi mới 14 tháng.

Trước đó, bé gái đã trải qua 3 lần xuất huyết tiêu hóa và có tình trạng báng bụng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhi tắc hoàn toàn tĩnh mạch cửa dưới gan. Kết quả sinh thiết gan phát hiện trẻ bị xơ gan, nhu mô gan thoái hóa gây xuất huyết nhiều. Bé được chẩn đoán mắc hội chứng Budd Chiari.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Hải Trung, Phó khoa Gan – Mật Tụy và Ghép gan, hội chứng này gây tắc tĩnh mạch gan. Đây là hội chứng rất hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới.

“Gan được nuôi hoàn toàn qua tĩnh mạch. Hội chứng Budd Chiari khiến gan bị tắc mạch máu, rất dễ gây ra các tình trạng nguy kịch cho bệnh nhân, kể cả sau khi đã được ghép tạng”, bác sĩ Trung cho biết.

Trong 2 năm qua, cô bé liên tục phải nhập viện, được điều trị nội khoa bảo tồn, ít xâm lấn nhất có thể bằng phương pháp nội soi và dùng thuốc. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng phát hiện trẻ có đột biến gene dẫn đến tăng đông mạch máu.

Đến năm nay, bệnh nhi có biến chứng suy gan, xơ gan, được chỉ định phẫu thuật ghép gan. Đây là trường hợp phẫu thuật ghép gan đầu tiên tại Việt Nam mắc hội chứng Budd Chiari.

Với tình trạng bệnh đặc biệt, khác hẳn so với những ca ghép gan trước đây, bệnh nhi có cấu trúc mạch máu bất thường, dẫn đến việc phẫu thuật có thể rất khó khăn. Ngoài ra, tình trạng bị tăng đông mạch máu có thể có huyết khối sau ghép, cần phải dùng thuốc kháng đông kéo dài.

Đánh giá về ca bệnh, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan – Mật – Tụy và Ghép gan (BS Trí nhiều năm gắn bó với phòng khám Nhi Khoa Sài Gòn), cho hay đây là một ca ghép khó, nhiều thử thách. Để chuẩn bị cho ca ghép, khoa Gan – Mật – Tụy và Ghép gan phải hội chẩn trong 2 tháng với chuyên gia từ Đại học Công giáo Louvain (Bỉ). Đây cũng là đơn vị đồng hành với Bệnh viện Nhi đồng 2 từ những trường hợp ghép gan đầu tiên vào năm 2005.

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 1/7. Tính đến ngày thứ 8, tình trạng của bé gái ổn định, được tiếp tục theo dõi tại khoa.

Thông tin thêm, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ sau khi được Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, công nhận đủ điều kiện tự chủ kỹ thuật ghép tạng hồi tháng 4, bệnh viện đã thực hiện được 3 ca ghép tạng.

Tính đến hiện tại, trong vòng 19 năm triển khai kỹ thuật ghép tạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghép gan thành công cho 36 trường hợp, ghép thận cho 30 ca.

Ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất cho các bệnh nhân suy gan. Tỷ lệ sống sót sau 10 năm ở các bệnh nhi ghép gan lên tới 90%, với điều kiện dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.

Chi phí mỗi ca ghép khoảng 600-700 triệu đồng, trong đó, bảo hiểm y tế chi trả khoảng 200-300 triệu đồng.

Nguồn: Linh Thùy (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *