Bé sơ sinh mới sinh được ba tuần, tự nhiên bé quấy khóc không dỗ được. Cứ đầu hôm là bé khóc, hai tay bé siết chặt, chân co lên bụng, vặn vẹo mình mẩy, mặt đỏ tươi giống như đang bị đau đớn lắm.

Bé bị đỏ da khi đắp lá trầu - Ảnh: BS ÚC NGUYỄN
Bé bị đỏ da khi đắp lá trầu – Ảnh: BS ÚC NGUYỄN

Có người quen đến thăm, họ vạch áo bé lên chỉ cho mẹ thấy mấy cọng lông tơ trên người bé, rồi nói bé bị đẹn lông, cần phải lấy lá trầu không hơ nóng đắp lên người, rồi chà lá trầu lên da của bé, bé mới hết khóc đêm.

Mẹ làm theo lời mách bảo, nhưng mới chà có một lần, da bé đỏ lên như con tôm luộc, mẹ sợ quá nên ẵm đến bác sĩ khám.

Bác sĩ khám cho bé, hỏi han tỉ mỉ tình hình bé bú, ngủ, tiêu tiểu, khóc như thế nào. Bác sĩ trấn an mẹ: “Tôi đã khám kỹ cho bé rồi, hiện tại sức khỏe bé bình thường, chị đừng lo nhé.

Có hai vấn đề chị cần quan tâm, thứ nhất bé không có bị đẹn lông, vì vậy không nên chà xát lá trầu lên da của bé, nó không có lợi mà gây hại thêm.

Những sợi lông tơ trên người bé có rất nhiều lợi ích, trong đó nó giúp bé chống lạnh. Lá trầu kích ứng làn da mỏng manh của bé khiến da bé đỏ lên, dễ bị nhiễm trùng, vì vậy chị đừng dùng lá trầu nữa.

Thứ hai, nguyên nhân bé khóc đêm, tôi nghĩ bé bị chứng khóc dạ đề, là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh, thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé đâu”.

Bác sĩ vừa giải thích, vừa cấp toa thuốc chăm sóc da bé bị đỏ, vừa dặn chị tái khám.

Theo các chuyên gia nhi khoa trên thế giới, cho đến nay vẫn chưa có chứng minh khoa học cụ thể nào giải thích nguyên nhân của chứng khóc kéo dài hàng giờ ở trẻ sơ sinh vào ban đêm, và cũng chưa có biện pháp điều trị hiệu quả.

Chúng ta cần loại trừ các nguyên nhân rõ ràng như mọc răng, viêm loét họng, tã ướt, thiếu vitamin D, thiếu can xi, trào ngược dạ dày, khó tiêu, nhiễm trùng đường ruột, bệnh bẩm sinh chưa phát hiện ra…

Trường hợp bú tốt, tiêu tiểu bình thường, không bị giảm cân và trẻ vẫn phát triển bình thường, thì điều quan trọng nhất khi dỗ trẻ là các mẹ phải giữ bình tĩnh và thoải mái, làm giảm sự khó chịu của bé bằng cách thể hiện sự yêu thương để bé cảm nhận được.

Cụ thể như: ôm ấp, hát ru, massage bụng, thoa lưng, cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sau sinh trừ trường hợp bé dị ứng với sữa mẹ.

Thông thường sau từ một tới ba tháng thì bé tự khỏi khóc đêm mà không cần phải điều trị gì hết.

Nguồn: BS NGUYỄN THÀNH ÚC (Tuổi Trẻ Online)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *