Bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc sâu, huyết áp giảm sâu sau 4 ngày sốt cao, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết.

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng biến chứng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng, được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.

Ngày 6/3, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trẻ là T.L.G.B., 9 tuổi, ngụ Tây Ninh, bị sốc sốt xuất huyết.

Bé B. có nền bệnh thừa cân (nặng 42 kg) trẻ ở độ tuổi này bình thường là 28-32 kg.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho hay B. sốt cao liên tục trong 4 ngày, đến ngày thứ 5 thì đau bụng, ói, tay chân lạnh nên gia đình cho trẻ thăm khám ở một bệnh viện tại địa phương. Thời điểm đó, trẻ rơi vào tình trạng sốc sâu, huyết áp không đo được, các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ở ngày thứ 5.

Trẻ được điều trị tích cực, truyền dịch chống sốc nhưng tình trạng bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp, tổn thương gan nặng nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc, đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, đo áp lực bàng quang, dùng các thuốc vận mạch phối hợp.

Trẻ được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương (CPAP) liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp.

Các bác sĩ truyền huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc và vitamin K1 để hỗ trợ gan, điều trị tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng.

Sau 2 tuần điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.

Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh, cần lưu ý bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em dù chưa tới mùa mưa.

Bnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, vẫn đang “rình rập” trẻ em, kể cả người lớn, do đó người dân nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng.

Nếu thấy trẻ sốt trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện

  • Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì
  • Đau bụng
  • Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen
  • Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống

Nguồn: Nguyễn Thuận (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *