TP.HCM nắng nóng, tăng số người bị chó mèo cắn. Không chỉ tại TP.HCM bệnh nhân ngừa bệnh dại tăng mà nhiều tỉnh khác cũng báo động tình trạng này.

Người dân ông nghi mắc bệnh dại đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Người dân ông nghi mắc bệnh dại đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) – Ảnh: XUÂN MAI

Tại TP.HCM, cùng với thời tiết nắng nóng gay gắt, ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM tiếp nhận rất nhiều người dân ở mọi độ tuổi đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại vì bị chó, mèo cào, cắn ở nhiều vị trí trên cơ thể.

Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm ở nơi công cộng dẫn đến việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, như vậy nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên. Có trường hợp bị bệnh dại dù không bị chó cắn hoặc bị cắn nhẹ. Nguyên nhân là con chó ngáp, nước bọt chứa vi rút dại rơi vào vết thương hở thì người đó cũng có thể bị lây truyền bệnh.

Ông TRẦN ĐẮC PHU

Bệnh nhân tiêm ngừa dại tăng

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), từ tháng 2 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho hơn 240 lượt. Còn tổng số lượt tiêm từ hai tháng sau Tết là gần 5.300 lượt, tăng hơn 1.000 lượt so với hai tháng cùng kỳ năm ngoái.

Về số ca mắc bệnh dại, từ đầu năm bệnh viện này tiếp nhận điều trị 7 ca, chủ yếu ở các tỉnh chuyển đến. Điểm chung của các ca bệnh dại này là chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh dại sau khi bị chó cắn, có áp dụng các phương pháp phản khoa học.

Tất cả 7/7 bệnh nhân này đều tiên lượng rất nặng, được người nhà xin phép đưa về nhà và tử vong sau đó.

Hiện khoa nhiễm Việt – Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang điều trị tích cực một người đàn ông 47 tuổi (ngụ tỉnh Long An) nghi mắc bệnh dại. Theo bác sĩ điều trị, bệnh nhân có thể mắc bệnh dại thể liệt, nguy cơ tử vong cao.

Ở Viện Pasteur TP.HCM, bác sĩ Đinh Văn Thới – trưởng phòng khám tiêm chủng của viện – cho hay trong hai tháng đầu năm 2024, viện đã tiếp nhận 4.813 lượt tiêm vắc xin phòng bệnh dại (trong đó tháng 2-2024 có 2.622 lượt, tăng nhiều so với tháng 1-2024 và tháng 12-2023 với hơn 2.100 lượt/tháng).

Bác sĩ CKII Danh Thơm – phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới – cho rằng thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Cùng với thói quen thả rông, không rọ mõm chó, mèo khiến nhiều người bị cắn hơn.

Bệnh dại tăng đột biến liệu có bất thường?

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Trong đó, khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

Theo ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân gây bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo mắc bệnh dại cắn người thì có khả năng lây truyền bệnh dại sang người. Hiện nay, Việt Nam vẫn là khu vực có dịch tễ bệnh dại, mỗi năm ghi nhận khoảng 100 người tử vong do bệnh dại gây nên.

Theo ông Phu, việc phòng tránh bệnh dại không hề khó, nhưng nhiều người lại chủ quan. “Tiêm phòng dại cho chó, mèo là biện pháp đầu tiên. Khi vật nuôi được tiêm phòng dại thì nguy cơ mắc dại sẽ giảm đi.

Hiện nay, tại nước ta, tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao. Nhiều gia đình nuôi 2-3 con chó, nhưng khi chính quyền vận động đi tiêm phòng dại cho chó thì họ chỉ mang 1 con đi tiêm”, ông Phu nói.

Theo Bộ Y tế, hiện công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Đặc biệt tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo, có nơi chỉ đạt xấp xỉ 10%.

“Điều quan trọng là bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh với tỉ lệ cao. Một người khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong, không thể nào chữa được.

Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được”, ông Phu nói.

Về số người tiêm vắc xin phòng dại, tử vong do dại tăng cao trong thời gian gần đây, ông Phu nhận định ngoài việc tỉ lệ tiêm phòng đàn chó mèo thấp, người dân chủ quan thì việc vắc xin phòng dại có chi phí cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thời gian ủ bệnh “linh hoạt” hàng năm, dễ chủ quan

Thực tế, không ít trường hợp nạn nhân bị chó cắn nhưng phải tới vài năm sau mới phát bệnh dại. Đơn cử như người phụ nữ 44 tuổi (trú tỉnh Bắc Kạn) từng bị chó cắn từ năm 2018 sau đó không tiêm phòng. Đến năm 2022, nạn nhân mới phát bệnh dại sau đó tử vong. Qua xét nghiệm cho thấy người phụ nữ này dương tính với vi rút dại.

Trước đó, cô gái 18 tuổi, ở Cao Bằng cũng tử vong do phát bệnh dại sau hai năm bị chó cắn mà không tiêm phòng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

“Bởi vậy, khi bị chó mèo cắn, cào… không nên chủ quan. Tốt nhất cần đến cơ sở y tế để được xử lý vết thương, đồng thời tiêm phòng ngay vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại

Bác sĩ Danh Thơm nhấn mạnh hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người bệnh được xác định mắc bệnh dại thì tỉ lệ tử vong là 100%.

Nếu chẳng may bị chó, mèo cào/cắn, người dân nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch trong khoảng 15 phút, và sát trùng bằng dung dịch i-ốt hay cồn thêm (nếu có) nhằm làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Sau đó lập tức đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Thơm cũng khẳng định vắc xin phòng bệnh dại không ảnh hưởng đến thần kinh.

Người dân tuyệt đối không áp dụng các phương pháp phản khoa học như đắp lá thuốc, chích lể, bôi dầu gió, bôi lọ nghẹ… lên vết thương bị chó, mèo cắn. Việc làm này không những làm trễ thời gian tiêm vắc xin mà còn gây nhiễm trùng vết thương.

Tuyệt đối không chủ quan khi bị chó cào, cắn

Hai con chó thả rông tại một con hẻm trên địa bàn TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Hai con chó thả rông tại một con hẻm trên địa bàn TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) – Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Vài tháng trở lại đây số người bị chó dại cắn và số người tử vong vì bệnh dại trên địa bàn tỉnh Phú Yên có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Châu Trọng Phát – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên – cho biết trong hơn hai tháng đầu năm 2024, các địa phương trong tỉnh đã ghi nhận 15 vụ chó nghi dại cắn người, với gần 40 người bị cắn, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Gần đây nhất, vào ngày 11-3, một con chó nghi dại đã cắn liên tiếp 7 người dân ở khu phố Dân Phước (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu). Đáng chú ý, theo Trung tâm Y tế thị xã Sông Cầu, trong 7 trường hợp bị chó nghi dại cắn có 1 trường hợp 4 tuổi, 1 trường hợp 5 tuổi và 2 trường hợp 13 tuổi.

Trước đó, vào tháng 10-2023, ông N.T.K. (37 tuổi, ngụ phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa) bị một con chó lạ cắn vào tay. Tuy nhiên do con chó có đeo sợi dây xích nên ông K. nghĩ vết thương là do dây xích cào nên không đi tiêm phòng.

Đến đầu tháng 1-2024, ông K. xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực, nôn ói, đi tắm thì thấy sợ nước, không ăn được thức ăn có nước… Mặc dù đã được gia đình chạy chữa khắp nơi, tuy nhiên sau đó ông K. tử vong nghi do bệnh dại.

Tiếp đó, vào tháng 2-2024, ông N.V.Đ. (60 tuổi, trú huyện Tuy An) khi đang đuổi đánh một con chó lạ đột nhiên xông vào nhà thì bị con chó này cắn vào bàn tay trái.

Sau đó, ông Đ. chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại, vài ngày sau đó ông Đ. bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sợ nước, sợ gió… Mặc dù đã nhập viện tuy nhiên người đàn ông này đã không qua khỏi.

Theo bác sĩ Phát, đa số các trường hợp tử vong là do bị chó nghi dại, chó dại cào xước hoặc có những vết cắn rất nhẹ nên nhiều người chủ quan không đi tiêm phòng.

Ông Nguyễn Văn Lâm – chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên – cho biết hiện Phú Yên đang bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm dễ bùng phát bệnh dại.

XUÂN MAI – DƯƠNG LIỄU – NGUYỄN HOÀNG – Tuổi trẻ online

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *