Số trẻ bệnh hô hấp đến các viện nhi tại TP HCM tăng cao vài tuần qua, bác sĩ cảnh báo thời điểm cuối mùa mưa và trẻ đi học dễ lây bệnh nhau.

Ngày 2/11, tại khu vực đăng ký khám bệnh, trước phòng xét nghiệm, phòng khám, khu vực ăn uống, vui chơi của trẻ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều đông đúc. Trước những quầy chờ đóng tiền, lấy thuốc… phụ huynh xếp hàng dài, ghế ngồi luôn không còn chỗ trống.

Ngồi ở một góc cuối dãy ghế chờ, chị An (ngụ Bình Phước), ôm con gái 4 tháng tuổi cho bú trong khi đợi kết quả xét nghiệm. Bé bị viêm đường hô hấp trên từ tuần trước, nghẹt mũi, sổ mũi nhiều, khó ngủ, khó bú và quấy khóc liên tục.

“Tôi làm đủ mọi cách theo bác sĩ hướng dẫn, thường xuyên nhỏ nước muối, vệ sinh mũi họng cho con nhưng không cải thiện”, chị An nói, thêm rằng chồng chị đã xin nghỉ làm một ngày đưa vợ con vào TP HCM khám.

Con trai gần 6 tháng tuổi của chị Hồng, quê Đồng Tháp, được mẹ bế ngồi chờ kết quả xét nghiệm. Chị cho biết con bị bệnh hô hấp liên tục nửa tháng nay. Ban đầu bé ho đờm, sổ mũi, bác sĩ ở địa phương chỉ cách vệ sinh mũi tại nhà, giữ ấm cơ thể và uống siro ho. Song, bé cứ khỏe vài ba hôm thì lại hắt hơi, sổ mũi, có đờm, thường xuyên quấy khóc, trằn trọc khó ngủ.

“Đợt bệnh làm con chững cân trong khi ngày thường đã còi hơn các bạn”, chị Hồng nói, mong lần này lên TP HCM khám, con có thể khỏe mạnh hơn.

Bác sĩ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, ghi nhận miền Nam đang ở cuối mùa mưa, như mọi năm, là thời điểm bùng phát bệnh hô hấp, số bệnh nhân đang có xu hướng tăng kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 khám khoảng 4.500 trẻ. Cao điểm, thường là thứ hai hàng tuần, số bệnh nhi đến khám lên đến khoảng 5.700. Cách đây một tháng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.200-4.300 bệnh nhi.

“Đa số trẻ bệnh hô hấp và đang có xu hướng tăng nhẹ do vào mùa”, bác sĩ Phương cho biết, thêm rằng số bệnh nhi tăng lên tương đương những năm trước, chưa ghi nhận đột biến hay bất thường.

Bệnh nhi và phụ huynh chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngày 2/11. Ảnh: Mỹ Ý
Bệnh nhi và phụ huynh chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngày 2/11. Ảnh: Mỹ Ý

Tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, những tuần gần đây luôn có khoảng 250-260 trẻ điều trị nội trú. Bác sĩ phó khoa Đoàn Thị Thanh Hồng cho biết số bệnh nhi tăng so với 2-3 tuần trước đó. Hồi đầu tháng 10, mỗi ngày, khoa điều trị trung bình chỉ 170-180 bệnh nhi.

Còn Phòng khám Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, một tháng qua ghi nhận số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp tăng 50-60%. PGS.TS Phạm Thị Minh Hồng, giảng viên cao cấp bộ môn Nhi, bác sĩ tại phòng khám, cho rằng nguyên nhân là TP HCM trong thời điểm giao mùa từ mưa sang nắng, đồng thời vào năm học mới nên trẻ dễ bị lây bệnh hô hấp từ bạn bè và những người lớn xung quanh.

Ngoài ra, trẻ mắc bệnh hô hấp còn có thể do các yếu tố khác như tình hình tiêm chủng. “Gia đình không có điều kiện hầu như không cho con tiêm các mũi vaccine ngừa cúm, phế cầu”, PGS Hồng nói, thêm rằng đó cũng là yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ nhiễm bệnh do siêu vi, vi khuẩn.

Trẻ mắc bệnh hô hấp thường khởi phát với các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi. Bệnh nặng hơn, trẻ thở nhanh, ho nhiều, khò khè, nôn ói, co lõm ngực… Nếu không được thăm khám, điều trị kịp thời, trẻ dễ dàng diễn tiến viêm tai giữa, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… dẫn đến tình trạng suy hô hấp phải nhập viện thở oxy và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Phụ huynh xếp hàng đóng tiền khám, chữa bệnh cho con, ngày 2/11. Ảnh: Mỹ Ý
Phụ huynh xếp hàng đóng tiền khám bệnh cho con, ngày 2/11. Ảnh: Mỹ Ý

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Thế giới ghi nhận hàng năm có khoảng 4-5 triệu trẻ em tử vong do những căn bệnh từ đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp chiếm 23-38% các bệnh ở trẻ em.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cẩn thận trong việc cho trẻ giữ ấm buổi tối, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tiêm phòng đầy đủ theo lịch, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp, đồng thời có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc trẻ hợp lý.

Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên làm thông thoáng mũi cho con bằng nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi, bổ sung nhiều nước nhằm làm loãng đờm và dùng siro ho để hỗ trợ điều trị. Tránh tự ý sử dụng các loại thuốc hạ sốt, long đờm bừa bãi. Các thành viên trong gia đình nếu mắc bệnh về hô hấp như cảm, viêm xoang, viêm mũi… cần chú ý đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc bé.

Phụ huynh cần học cách đếm nhịp thở cho con theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm dấu hiệu thở nhanh. Ngoài ra, nếu bé có dấu hiệu cảnh báo nặng khác như khó thở, co lõm ngực, bỏ ăn, bỏ bú hoặc lên cơn co giật, cần đưa đến bệnh viện ngay để khám, điều trị kịp thời.

Nguồn: Mỹ Ý (vnexpress)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *