Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vừa ghi nhận một ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Đây là ca tử vong đầu tiên trong năm của tỉnh.

Người dân lật úp những dụng cụ chứa nước có lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, bệnh nhân là N.H.N., 15 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tử vong ngày 15/4 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Trước đó, ngày 5/4, bệnh nhi sốt cao nên được người nhà cho uống thuốc, tự điều trị tại nhà. Đến ngày 8/4, thiếu niên được đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và nhập viện theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Ngày 10/4, bệnh nhi được lọc máu và chăm sóc đặc biệt. Đến 4h15 ngày 15/4 , bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết tiêu hóa.

Qua điều tra dịch tễ, CDC Đồng Nai cho biết môi trường xung quanh bên ngoài và trong nhà bệnh nhi khô ráo, thoáng, không có vật dụng chứa nước có lăng quăng. Tuy nhiên, những hộ gia đình trong phạm vi bán kính 200 mét từ nhà người bệnh có nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng như quạt hơi nước, bình hoa, nước đọng ở các khe cửa sắt. Đặc biệt, bán kính 200 m từ nhà bệnh nhân trong vòng 14 ngày có ghi nhận một ca bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại huyện Vĩnh Cửu chưa có dấu hiệu gia tăng, thời tiết tỉnh Đồng Nai đang là mùa nắng nóng nên việc phòng, chống sốt xuất huyết của người dân vẫn còn lơ là, chủ quan. Trong nhà người dân còn nhiều vật dụng chứa nước không được súc rửa, dọn dẹp thường xuyên, thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển.

CDC Đồng Nai đề nghị Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu, Trạm y tế thị trấn Vĩnh An cần chủ động trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, các đơn vị cần lưu ý công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, xử lý dụng cụ chứa nước, không bỏ sót dụng cụ chứa nước có lăng quăng.

Đồng thời, ngành y tế huyện phải theo dõi tình hình sốt xuất huyết tại khu phố 6, thị trấn Vĩnh An, nếu có xuất hiện thêm các trường hợp có sốt thì mở rộng địa bàn xử lý, đảm bảo không để dịch lan rộng sang các tổ, ấp khác.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra do vector truyền qua vết đốt từ muỗi vằn mang mầm bệnh. Đây là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến thường xuất hiện ở những nơi có vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể sốt, phát ban, nhức đầu, dễ bầm tím và chảy máu răng, nặng hơn là đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết dưới da. Ở thể nặng, sốt xuất huyết có thể gây tử vong.

Nguồn: Nguyễn Thuận (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *