Viêm màng não do virus, viêm não, viêm cơ tim cũng có thể xảy ra ở trẻ có miễn dịch kém không may mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường ảnh hưởng tới trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh minh họa: CDC.

Tay chân miệng ở trẻ em là bệnh nhiễm virus có khả năng lây truyền cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Sốt là triệu chứng đầu tiên, sau đó là phát ban ở môi, tay và chân, có thể lan sang nhiều bộ phận khác trên cơ thể.

Mặc dù không phải là bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng, tay chân miệng (HFMD) có thể khiến trẻ khó chịu, đặc biệt là khi uống và nuốt thức ăn.

Triệu chứng điển hình

Theo Mom Junction, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus truyền nhiễm thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ đi học cũng dễ bị nhiễm trùng vì virus lây lan nhanh chóng ở những nơi có nhiều trẻ em.

Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện từ 3 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus (thời kỳ ủ bệnh). Khi đó, trẻ có thể có một số hoặc tất cả triệu chứng sau:

  • Sốt khoảng 38,9 độ C (kéo dài 2-3 ngày)
  • Đau họng và cảm giác ngứa ngáy ở cổ họng, thường đau do tổn thương
  • Chán ăn
  • Đau đầu
  • Vết loét hoặc loét đỏ đau đớn bên trong miệng, ảnh hưởng đến vòm miệng, nướu và thành trong (có thể hết sau 7 ngày)
  • Nổi mẩn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông (có thể hết sau 10 ngày)

Các triệu chứng đầu tiên thường là sốt, sau đó 1-2 ngày là phát ban, đau họng và kém ăn. Các mụn nước đau đớn có thể xuất hiện bên trong miệng trong vòng 1-2 ngày, khiến trẻ khó nuốt.

Biến chứng của tay chân miệng

Theo Webmd, thông thường, trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự hồi phục mà không có bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể gặp biến chứng khi mắc bệnh.

Biến chứng phổ biến nhất là mất nước. Các vết loét bên trong miệng và cổ họng khiến trẻ khó nuốt, không chịu uống nước. Khi đó, mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ.

Những biến chứng khác đều nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ có khả năng miễn dịch kém, bao gồm:

  • Viêm màng não do virus (sưng màng quanh não và tủy sống) gây đau đầu, sốt và cứng cổ
  • Viêm não (sưng não): Tình trạng viêm não có thể gây tử vong nhưng rất hiếm
  • Viêm cơ tim (sưng cơ tim)
  • Liệt (không thể cử động hoặc kiểm soát các cơ)

Cha mẹ cần cho trẻ đến bác sĩ nếu các triệu chứng ở trẻ trầm trọng hơn sau vài ngày:

  • Vết loét ở miệng quá đau và khiến trẻ không thể uống nước
  • Mất nước nghiêm trọng vì trẻ không đi tiểu trong hơn 8 giờ hoặc miệng trở nên rất khô
  • Các triệu chứng bệnh vẫn không hết ngay cả sau 10 ngày.

Nguồn: Mai Phương (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *