Đắm mình vào game online gây nên ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ trên nhiều phương diện: học hành sút kém, thay đổi hành vi, cảm xúc thậm chí có hành vi bạo lực, mất đi các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, mất các thói quen sống lành mạnh….. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng trẻ nghiện game online hiện nay vẫn chưa được sự quan tâm một cách thoả đáng từ phía gia đình và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Hiện nay, “nghiện game” được Tổ chức Y tế thế giới xếp là một chứng rối loạn tâm thần và khẳng định chơi game có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và rất cần được giám sát. Nhiều gia đình thường có tâm lý e ngại khi đưa con đi khám. Các bố mẹ trẻ thường chỉ đưa con đi khám khi trẻ có các dấu hiệu nặng như trầm cảm, hay đập phá, có hành vi tự sát….
Trên thực tế, ranh giới giữa chơi game giải trí và lạm dụng – nghiện game là mong manh nếu không để tâm và chỉ có bác sĩ mới được phép chẩn đoán “nghiện game” (Rối loạn liên quan tới chơi trò chơi điện tử). Trong một số trường hợp nghi ngờ, khi thấy trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt không rõ lý do, không thích giao tiếp với mọi người, ăn uống kém hoặc ăn uống thất thường thậm chí còn bỏ cả ăn thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm lý trẻ em để được tư vấn.
Trong thời đại ngày nay, nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam có xu hướng gia tăng rất đáng báo động. Do trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính nhiều nên bố mẹ cần chú ý đến việc chơi game của trẻ. Tình trạng nghiện game online gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của học sinh. Đồng thời, nó cũng là tác nhân gây ra nhiều hành động mất kiểm soát và hậu quả đáng tiếc.
Chính vì thế, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm có những biện pháp cụ thể ngăn chặn tình trạng này.
Gia đình và trường học: 2 yếu tố quan trọng nhất
– Gia đình: Các chuyên gia cho rằng gia đình là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp người trẻ tránh nghiện game. Bố mẹ cần giám sát trẻ thường xuyên để phát hiện những vấn đề bất thường của trẻ. Ngoài ra, cần định hướng trẻ sử dụng game online một cách hợp lý, tránh sử dụng quá mức. Giải thích cho trẻ về những tác hại của việc “nghiện game”. Lập thời gian biểu hàng ngày 1 cách hợp lý và giám sát trẻ thực hiện đặc biệt cần chặt chẽ với trẻ khi sử dụng game online về thời gian và mục đích.
Gia đình cần dành nhiều thời gian và quan tâm để gần gũi, chia sẻ với trẻ. Như vậy không những tránh được trẻ nghiện game và các tệ nạn xã hội khác mà còn xây dựng gia đình đầm ầm, hạnh phúc. Đặc biệt, cần nhẹ nhàng khuyên bảo, không nên nặng lời để tạo ra không khí đầm ấm và vui vẻ để định hướng cho các trẻ một cuộc sống có ý nghĩa.
Các bố mẹ trẻ nên khuyến khích con mình tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, chơi thể thao, sinh hoạt đội nhóm để giúp trẻ sử dụng thời gian rảnh một cách có ích. Một cách dự phòng hiệu quả là biến chơi game thành hoạt động giải trí vui vẻ và lành mạnh của cả gia đình!
– Trường học: Nhà trường cần tổ chức các hoạt động, trò chơi lành mạnh, tổ chức ngoại khóa bổ ích trong và ngoài giờ học. Tăng cường công tác quản lý và thi đua, tuyên truyền giáo dục để học sinh tự ý thức và nâng cao nhận thức của mình về những mặt tốt, xấu của game online. Tổ chức những câu lạc bộ vui chơi trong phạm vi trường học để tạo sân chơi cho những bạn học sinh.
BS Ngô Anh Vinh – Khoa sức khoẻ sức khoẻ vị thành niên
BS Đỗ Tiến Sơn, Bệnh viện Nhi Trung Ương
0 Bình luận