Trẻ dậy thì muộn có nhiều nguyên nhân từ di truyền đến bệnh lý, có thể cần can thiệp để bé phát triển trí não, thể chất tối ưu.
Dậy thì là quá trình cơ thể trẻ thay đổi thành người lớn. Hầu hết bé gái dậy thì ở độ tuổi 8-14, bé trai khoảng 9-15 tuổi. Nếu trẻ không có những thay đổi thể chất nào ở tuổi này thì có khả năng dậy thì muộn.
Triệu chứng
Bé gái có thể có dấu hiệu dậy thì lúc 8 tuổi. Những thay đổi chính trong cơ thể gồm phát triển ngực, tăng trưởng chiều cao, có lông nách và lông mu, bắt đầu kỳ kinh, hông rộng hơn, xuất hiện đường cong. Hầu như các bé gái có biểu hiện này trước 14 tuổi, nếu không có là dậy thì muộn.
Những thay đổi khi bé trai dậy thì gồm dương vật lớn hơn, phát triển lông mặt, nách và lông mu, chiều cao tăng nhanh, vai rộng hơn và phát triển cơ bắp, giọng nói thay đổi. Bé dậy thì muộn khi không có dấu hiệu này lúc 15 tuổi.
Nguyên nhân
Gia đình: Nếu cha hoặc mẹ dậy thì muộn thì tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ.
Nội tiết: Tuyến yên không tiết ra hormone để kích thích buồng trứng hoặc tinh hoàn. Hormone estrogen hoặc testosterone không được sản xuất và tuổi dậy thì bị trì hoãn.
Bệnh mạn tính: Bệnh xơ nang, tiểu đường, bệnh thận, hen suyễn, bệnh celiac và những bệnh khác có thể gây dậy thì muộn. Điều trị thích hợp có thể kiểm soát bệnh và giúp quá trình dậy thì diễn ra.
Suy dinh dưỡng: Không ăn uống đầy đủ, chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng có thể làm giảm sự tăng trưởng. Hoạt động thể chất quá mức, rối loạn ăn uống hoặc thực đơn không cân bằng cũng có thể là nguyên nhân dậy thì muộn.
Rối loạn di truyền: Rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Turner và hội chứng Klinefelter có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình dậy thì.
Các nguyên nhân khác như hóa trị hoặc xạ trị, bệnh tật hoặc phẫu thuật ở buồng trứng, tinh hoàn, rối loạn chuyển hóa như galactose. Một số loại thuốc cũng có thể trì hoãn quá trình này.
Điều trị
Bác sĩ khám sức khỏe toàn diện và thực hiện một số xét nghiệm, chụp X-quang xương cho trẻ dậy thì muộn. Nếu tìm thấy nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn, điều trị nguyên nhân đó thường đạt được kết quả.
Ở giai đoạn này, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi khoa học, có thể tăng chiều cao 8-12 cm mỗi năm. Sau đó tốc độ tăng trưởng của trẻ giảm dần.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bé phát triển tốt, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành. Phụ huynh cần bổ sung cho con đa dạng, đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm sau khi xác định mức độ thiếu, thừa vi chất của trẻ, có chỉ định phù hợp từ bác sĩ.
Hầu hết trẻ dậy thì muộn đều đạt được chiều cao, thể chất bình thường khi trưởng thành, nhưng một số trẻ cũng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
0 Bình luận