Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến ở trẻ em. Đa số các trường hợp xảy ra ở trẻ em từ sáu tháng đến ba tuổi vì ở lứa tuổi này bé hay hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng lại chưa nhận biết đầy đủ mọi thứ xung quanh. Điều đáng mừng là hầu hết trẻ đều được đưa đến cơ sở y tế kịp thời sau khi phụ huynh hoặc người chăm sóc chứng kiến sự việc.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp dị vật đường tiêu hóa đáng lo ngại. Cụ thể, gần đây Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng tiếp nhận hai trường hợp bị dị vật tiêu hóa từ đồ chơi là viên bi bằng nam châm, cả hai trường hợp đều phải phẫu thuật cấp cứu, trong đó có trường hợp viên nam châm gây thủng ruột. Trước nhập viện 02 ngày, bé cầm hộp đồ chơi có viên nam châm dạng tháo rời từng viên sau đó vô tình nuốt vào bụng. Một ngày sau bé bị đau bụng liên tục nên gia đình đưa bé đi khám và nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1. Chụp X quang thấy 2 dị vật cản quang hình tròn. Bé được đưa vào khoa Ngoại Tổng hợp và được phẫu thuật cấp cứu cùng ngày nhập viện.
Một trường hợp khác, bé trai nuốt đồng xu. Người nhà khai cách nhập viện 01 ngày, bé ngậm và nuốt đồng xu, sau đó khó nuốt, không ăn uống được, nôn ói, được bệnh viện địa phương chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Qua thăm khám bác sĩ nghi ngờ có dị vật thực quản và hình ảnh X quang ghi nhận dị vật hình tròn cản quang. Sau đó tại khoa Tai Mũi Họng, bé được các bác sĩ lấy dị vật đồng xu trong thực quản bằng ống sonde Foley.
Nhìn chung, các dị vật tiêu hóa rất đa dạng, thường gặp bao gồm tiền xu, pin cúc áo, đồ chơi nhỏ, nam châm, đinh và ốc vít, viên bi, mảnh xương (ví dụ xương cá),… Mặc dù tỷ lệ tử vong do nuốt phải vật thể lạ rất thấp, nhưng đã có các trường hợp tử vong được báo cáo.
TRẺ THƯỜNG NUỐT DỊ VẬT NÀO?
Đồng tiền xu: là loại vật thể mà các bé nuốt nhầm nhiều nhất. Tại Mỹ đã ghi nhận có hơn 250.000 trường hợp nuốt đồng xu và 20 trường hợp tử vong trong 10 năm (1994 – 2003). Đồng tiền xu được các nước sản xuất với thành phần chủ yếu là kẽm. Chất kẽm có khả năng ăn mòn cao và nếu tiếp xúc lâu với dịch a-xít dạ dày có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ do loét, thủng thực quản. Phần lớn các trường hợp nuốt đồng tiền xu không có triệu chứng, trẻ thường chỉ có triệu chứng khi đồng xu bị kẹt trong thực quản. Việt Nam không có đồng tiền xu nhưng có những đồng xu chơi game.
Pin dạng cúc áo: theo các báo cáo y khoa số lượng các trường hợp nuốt phải pin cúc áo đã tăng lên do việc sử dụng nó phổ biến trong các thiết bị gia dụng gia đình trở nên hơn. Nhìn chung pin chứa kim loại nặng như thủy ngân, bạc, hoặc lithium và một hydroxit mạnh của natri hoặc kali. Do đó khi trẻ nuốt pin nút áo sẽ dễ bị các biến chứng nghiêm trọng như: bỏng thực quản, thủng, hoặc lỗ rò thực quản… Tỉ lệ biến chứng xảy ra chiếm khoảng 3% các trường hợp nuốt phải pin.
Đồ vật nhọn: phổ biến là đinh, ốc vít, kim bấm, xương cá, xương gà, tăm tre, đinh sắt, kim khâu, viên thuốc còn nguyên cả vỏ… Các dị vật nhọn này chiếm khoảng 10-15% số trường hợp dị vật đường tiêu hóa. Các vật nhọn có nguy cơ gây thủng đường ruột (15-35%) hoặc gây nhiễm trùng khi chúng bị kẹt trong hầu họng.
Nghẹn/hóc thức ăn: có thể xảy ra khi trẻ nhỏ vừa ăn vừa đùa giỡn, cười, ăn thức ăn kích thước lớn. Những trẻ có bệnh lý về thực quản (viêm thực quản trào ngược hay viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan) sẽ dễ bị nghẹn thức ăn hơn.
Nam châm: Với việc sử dụng ngày càng nhiều nam châm nhỏ trong đồ chơi và các vật dụng gia đình, việc nuốt phải nam châm đã trở thành một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng đối với trẻ em. Nam châm đất hiếm (nam châm neodimium) là thành phần phổ biến trong các thiết bị gia đình. (xem thêm bài viết “Sự nguy hiểm khi trẻ nuốt phải nam châm”)
Điều may mắn là, hầu hết dị vật nuốt phải sẽ đi qua đường tiêu hóa một cách tự nhiên và được thải qua phân. Chỉ khoảng 10-20% trường hợp cần phải can thiệp lấy ra bằng nội soi hoặc phẫu thuật.
KHI TRẺ NUỐT DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA SẼ CÓ BIỂU HIỆN GÌ?
Phần lớn các dị vật đều đi qua họng vào ống tiêu hóa sau đó được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho trẻ. Trẻ nuốt phải dị vật hoàn toàn không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng thoáng qua nhanh, ví dụ như: cảm giác đau chỗ xương ức, tím tái, khó nuốt.
Khoảng 10-20% dị vật gây nguy hiểm và gây ra các triệu chứng. Các biểu hiện này thường xuất hiện sớm, nhưng đôi khi có thể xuất hiện trễ sau vài ngày thậm chí vài tháng do gây tắc nghẽn, loét, xuất huyết đường hay do phóng thích các chất độc hại.
Khi triệu chứng xuất hiện, thường sẽ liên quan đến vị trí mắc kẹt của dị vật:
– Thực quản: trẻ hay khó nuốt, khó ăn, chảy nước miếng, hoặc các triệu chứng hô hấp như thở khò khè, thở rít, sặc. Những trẻ lớn hơn thường cảm thấy nghẹn tức hoặc đau ở ngực.
– Dạ dày: thường không có triệu chứng, trừ khi dị vật đủ lớn gây tắc nghẽn, có thể biểu hiện như nôn ói, không chịu ăn bú, đầy bụng, bụng chướng.
– Ruột: thường không có triệu chứng và đi ra theo phân. Tuy nhiên, một số nhỏ trường hợp, dị vật mắc kẹt lại ở đoạn xa ruột gây những biến chứng muộn.
Nếu dị vật đường tiêu hóa kéo dài mà không xử trí, trẻ có thể bị sụt cân, viêm phổi hít, chảy máu tiêu hóa hoặc thủng thực quản.
CẦN LÀM XÉT NGHIỆM GÌ ĐỂ XÁC ĐỊNH DỊ VẬT?
Đối với tất cả các trẻ nghi ngờ dị vật đường tiêu hóa, xét nghiệm ban đầu sẽ luôn là chụp X quang (2 tư thế: thẳng và nghiêng) ở các vị trí cổ, ngực, bụng. Điều này nhắm mục đích xác định dị vật đã bị nuốt, và kiểm tra có xảy ra biến chứng chưa (ví dụ như thủng). Tuy nhiên, nếu trẻ nuốt phải những đồ chơi làm bằng nhựa hoặc gỗ, thường không dễ dàng nhìn thấy được trên X quang.
Hình X quang ngực thẳng cho thấy một đồng xu trong thực quản
Khi X quang không nhìn thấy được dị vật, CT scan được chỉ định khi bé có triệu chứng rõ ràng hoặc dị vật nguy hiểm. MRI cũng có chỉ định trong một số trường hợp (ngoại trừ dị vật kim loại). Siêu âm có thể đánh giá được vị trí, đặc điểm dị vật trong thực quản, dạ dày.
CẦN LÀM GÌ KHI TRẺ NUỐT HOẶC NGHI NGỜ DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA?
Một số điểm phụ huynh cần lưu ý như sau:
- Thời điểm trẻ nuốt dị vật là khi nào? Ghi nhận xem trẻ có các triệu chứng liên quan đến dị vật không? Nếu có các biểu hiện trên thì bạn phải cho trẻ đi khám ngay.
- Trẻ có nuốt phải dị vật nguy hiểm dưới đây không:
+ Đường kính dị vật ≥ 20mm
+ Chiều dài dị vật ≥ 50mm
+ Dị vật pin, nam châm, dị vật chứa chì
+ Dị vật sắc nhọn có khả năng đâm xuyên (kim loại có ngạnh, kim, thủy tinh…)
+ Dị vật nhiều thành phần (ví dụ: đồ chơi khi vỡ ra có bóng đèn, pin và động cơ)
+ Dị vật có tính hút nước mạnh như thuốc chống ẩm
KHI NÀO CẦN CAN THIỆP CẤP CỨU DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA?
– Như đã đề cập nhiều trường hơp dị vật đường tiêu hóa sẽ không cần can thiệp mà dị vật sẽ theo phân thải ra ngoài. Tuy nhiên, trẻ cần can thiệp ngay để loại bỏ dị vật (bằng nội soi hoặc phương pháp khác) khi:
– Trẻ nuốt phải các loại dị vật nguy hiểm (như đã nêu trên)
– Bất kỳ vật thể nào trong thực quản trên 24 giờ hoặc không rõ thời điểm nuốt, hoặc dị vật tồn tại trong dạ dày từ 2 – 4 tuần.
– Có triệu chứng gợi ý về suy hô hấp, tắc nghẽn thực quản (ví dụ như trẻ không thể nuốt), viêm nhiễm, hoặc tắc ruột (sốt, đau bụng, nôn ói).
– Đối với các trẻ nuốt phải vật lạ nhưng không có các đặc điểm trên, và tổng trạng hoàn toàn bình thường, không khó nuốt, can thiệp loại bỏ dị vật có thể trì hoãn lên đến 24 giờ, dị vật có thể từ từ xuống dạ dày và theo phân ra ngoài trong 1 – 2 tuần. Do đó có thể theo dõi sự di chuyển dị vật trong đường tiêu hóa bằng cách cho chụp X quang lặp lại.
PHÒNG NGỪA
Phòng ngừa có vai trò quan trọng hàng đầu. Phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý :
* Cất các đồ vật nhỏ như đồng xu, cục pin, lego, kim, tăm, gốm thủy tinh dễ vỡ…ngoài tầm với của trẻ.
* Từ khi còn nhỏ, tập cho trẻ thói quen không được ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà.
* Cho trẻ chơi với các món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi.
* Quan sát cẩn thận khi trẻ đang chơi với các đồ chơi.
* Kiểm tra kĩ lưỡng thức ăn như cá, gà, chim… để đảm bảo rằng không còn xương trong đồ ăn của trẻ.
* Trong khi trẻ ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa đùa giỡn mất tập trung.
Nguồn:
** Phác đồ Nhi Đồng 1, 2020
** Mark A Gilger, MD; Ajay K Jain, MD. (2022). Foreign bodies of the esophagus and gastrointestinal tract in children. Uptodate.
** Kramer RE, Lerner DG, Lin T, Manfredi M, Shah M, Stephen TC, Gibbons TE, Pall H, Sahn B, McOmber M, Zacur G, Friedlander J, Quiros AJ, Fishman DS, Mamula P; North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition Endoscopy Committee. Management of ingested foreign bodies in children: a clinical report of the NASPGHAN Endoscopy Committee. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2015 Apr;60(4):562-74.** https://benhviennhitrunguong.gov.vn/di-vat-tieu-hoa-o-tre-em.html
BS Dương Lê Hiển Đạt – TS.BS Lê Bích Liên – Trung tâm đào tạo liên tục Bệnh viện Nhi Đồng 1
0 Bình luận