Bé trai dính thắng lưỡi từ khi một tuổi, nay 5 tuổi nói ngọng, khó phát âm, bác sĩ chẩn đoán tình trạng nặng, cần phẫu thuật.
Bé nói ngọng, trong khi anh song sinh với bé thì bình thường. Mẹ bé, chị Thùy, 36 tuổi, lo lắng con vào lớp 1 khó giao tiếp nên đưa đến Bệnh viện khám.
Ngày 26/1, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Nhi, cho biết bé có một dải mô nhỏ kéo dài từ sàn miệng đến đáy lưỡi (gọi là thắng lưỡi hay phanh lưỡi). Đây là dị tật bẩm sinh khiến lưỡi bị hạn chế chuyển động. Trẻ sơ sinh bị dính thắng lưỡi có thể khó bú, chậm tăng cân, trẻ lớn chậm nói, nói ngọng, khó phát âm.
Nếu phát hiện sớm dính thắng lưỡi, bác sĩ có thể phẫu thuật cho trẻ từ ba tháng tuổi hoặc tuổi nhỏ hơn. Trẻ lớn hơn, không hợp tác thường phải gây mê để cắt, thắng lưỡi có thể đã dầy hơn nên đôi khi cần phải cắt – khâu với chỉ tự tan. Như em bé này dính thắng lưỡi từ một tuổi, song đến 5 tuổi biểu hiện nói ngọng mới đi khám.
Nhiều cha mẹ lo thuốc mê có thể ảnh hưởng đến não trẻ nên chần chừ không phẫu thuật. Theo bác sĩ Trọng, phẫu thuật dính lưỡi thắng khá đơn giản, không nguy hiểm, lượng thuốc mê rất ít, thời gian phẫu thuật ngắn, trình độ của bác sĩ gây mê ngày càng phát triển có thể thực hiện cho trẻ sơ sinh, nhẹ cân. Vì vậy ít ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Đa số các phẫu thuật có thể về trong ngày nên không tốn kém thời gian và chi phí điều trị cho gia đình.
Tùy theo đánh giá của bác sĩ và khả năng hợp tác của trẻ, bác sĩ sử dụng phương pháp vô cảm là xịt thuốc tê tại chỗ hoặc gây mê qua hô hấp dùng mặt nạ để bé đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Bác sĩ sử dụng dao điện đầu nhỏ cắt dây thắng lưỡi, cầm máu tại chỗ trong thời gian ngắn. Bệnh nhi thức tỉnh liền sau đó và có thể ra với cha mẹ.
Sau phẫu thuật, bác sĩ lưu ý chị Thùy phải kiên trì dạy bé phát âm đúng để có thể giao tiếp bình thường. Chăm sóc sau mổ thường chỉ là giữ cho khoang miệng sạch sẽ và ít khi phải dùng đến thuốc giảm đau.
Phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi qua dấu hiệu như trẻ khó bú, bú kém, khó nuốt, khó phát âm, chậm nói, đầu lưỡi của bé hình chữ trái tim hoặc chẻ đầu lưỡi, thấy rõ được dây thắng dưới lưỡi, nói ngọng không rõ nguyên nhân, không thể đưa lưỡi ra khỏi miệng (thè lưỡi dài) hoặc di chuyển lưỡi qua hai bên.
Bác sĩ khám đánh giá mức độ dính thắng lưỡi nặng hay nhẹ mà có chỉ định theo dõi hoặc phẫu thuật đúng thời điểm cho trẻ.
Tuệ Diễm (vnexpress)
0 Bình luận