Kết quả điều tra toàn quốc của Viện dinh dưỡng cho thấy 9,5% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng, là nguyên nhân chậm lớn, quáng gà.

Thông tin được PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tại họp báo về Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng và Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2023, ngày 28/11.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh và bền vững, theo PGS. Mai. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ gần 34% năm 2000 xuống còn hơn 14% năm 2015 và 11,6% vào năm 2020.

Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A. Song, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5%, giảm hơn 3% so với năm 2015.

“Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam”, bà Mai nói, thêm rằng thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.

Vì vậy, chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi là đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.

Bác sĩ Vũ Văn Tán, Trưởng khoa Giám sát và Chính sách dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, việc bổ sung vitamin A rất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Vitamin A tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa và chức phận của cơ thể như quá trình phân chia tế bào – trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường; thành phần rhodopsine của tế bào que và iodopsine của tế bào nón – chức năng nhìn; bảo vệ biểu mô bởi nếu thiếu sẽ gây khô da, sừng hóa, tổ thương giác mạc và tham gia vào quá trình miễn dịch dịch thể.

“Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn và phát triển không toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, giảm khả năng nhìn (quáng gà). Thiếu vitamin A nhiều sẽ gây viêm loét giác mạc và dẫn đến mù lòa”, bác sĩ Tán nói, thêm rằng nhóm dễ bị thiếu vitamin A nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Hằng năm, thông qua hai đợt chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ được uống vitamin A thường xuyên được duy trì trên 98% (tương đương với hơn 6 triệu trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi). Hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã, phường trong toàn quốc.

Trong đợt 1, 100% các tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch theo đúng kế hoạch. Số trẻ 3-35 tháng tuổi tại 41 tỉnh, thành phố được uống vitamin A là 2,7 triệu (đạt 99%). Số trẻ 3-59 tháng tuổi tại 22 tỉnh được uống vitamin A là 2,2 triệu (99,1%).

Dự kiến, Chiến dịch bổ sung vitamin A và tẩy giun đợt 2 cho trẻ em trên toàn quốc diễn ra từ ngày 1/12. Hiện, các địa phương đã đảm bảo đủ số vitamin A cấp cho trẻ em trong chiến dịch.

Nguồn: Lê Nga (vnexpress)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *