Hiện nay hầu hết mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con và cả nhà thường cùng quan tâm đến trẻ. Nhiều trẻ được chiều chuộng thái quá sinh ra có tính đòi hỏi, nhõng nhẽo, ỷ lại, không biết làm việc nhà, ít quan tâm đến người thân và khi lớn lên dễ có tính ích kỷ.

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet).

Tuy vậy giữa bố mẹ nhiều khi lại chưa thống nhất cách dạy con làm cho trẻ lúng túng không biết nên làm thế nào là đúng, nhiều khi trẻ còn lợi dụng điều đó để tìm cách đối phó bằng né tránh trách nhiệm hoặc việc cần phải làm. Ví dụ khi trẻ đã học xong bài tập cô giáo cho về nhà làm, sau đó mẹ muốn con học thêm nâng cao nhưng bố lại bảo cho con chơi không phải học thêm nữa, kết quả thường là trẻ sẽ làm theo ý kiến của bố là được chơi. Đến khi kết quả học tập của con có sút kém thì bố mẹ lại trách móc lẫn nhau.

Một ví dụ khác là mẹ làm hết mọi việc nhà mà không tập cho trẻ làm, còn bố thì muốn cho con cùng mẹ học làm một số việc. Nếu trẻ thích thì trẻ làm, nếu không thích trẻ sẽ không làm vì không xác định rõ ràng là trẻ cần phải làm để hình thành nên tính độc lập của mình.

Trong cách trả lời với con bố mẹ cũng không nên trả lời lấp lửng. Ví dụ con muốn xem băng hoạt hình con hỏi bố mẹ, khi đó bố trả lời xem nhiều là hại mắt đấy, còn mẹ thì nói là sao con thích xem băng hoạt hình thế. Cuối cùng trẻ cũng không biết là bố mẹ có đồng ý cho trẻ xem hoạt hình hay không.

Khi con có khuyết điểm bố mẹ không nên cùng mắng con một lúc mà nên chỉ mẹ hoặc bố phân tích cho trẻ hiểu thôi, còn người kia nên im lặng nhưng có quan tâm xem sự việc diễn ra thế nào. Nếu cả hai bố mẹ cùng mắng con một lúc, trẻ sẽ có tâm trạng oán trách bố mẹ, cho là bố mẹ không hiểu mình, không thương yêu mình nữa, trẻ sẽ không đủ tỉnh táo để tiếp thu và phân biệt phải trái. Lúc đó trẻ hoặc là sẽ rất sợ hãi hoặc  lì lợm không tiếp thu ý kiến của bố mẹ. Vào một thời điểm thích hợp khác khi trẻ đã bình tĩnh thì người còn lại có thể nói thêm cho trẻ hiểu là con đã sai ở chỗ nào và con nên làm thế nào cho tốt…

Trong gia đình nếu có ông bà sống cùng thì càng khó thống nhất trong việc dạy trẻ. Ông bà thường dạy trẻ theo phương pháp cũ, còn bố mẹ lại muốn dạy trẻ theo kiểu hiện đại. Có ông bà nghiêm khắc trong dạy dỗ trẻ do quan niệm cũ “yêu cho roi cho vọt”. Ngược lại có ông bà lại cưng chiều cháu, muốn bù đắp cho cháu những thiếu thốn mà ông bà đã từng chịu đựng trước kia. Có một số ông già tính nóng nảy hay quát mắng khi trẻ nghịch hoặc gây ồn ào làm trẻ rất sợ hãi. Sự không thống nhất trong cách dạy làm trẻ nảy sinh tính dựa dẫm là dựa vào người hay chiều chuộng bênh vực trẻ, điều đó làm mất đi hiệu lực của sự phê bình khi trẻ làm điều gì sai và trẻ sẽ không sửa sai.

Ông bà sống cùng bố mẹ và trẻ là một điều thuận lợi vì ông bà có điều kiện giúp đỡ trẻ nhiều hơn trong khi bố mẹ còn bận đi làm.

Do vậy để dạy trẻ một cách khoa học và có hiệu quả gia đình nên thống nhất cách dạy. Muốn đạt được sự thống nhất này nên lưu ý:

– Gia đình nên cùng nhau bàn bạc định hướng cho trẻ về học tập, vui chơi, sinh hoạt, làm việc nhà… theo kiểu nào dựa trên khả năng của trẻ và sở thích sở trường của trẻ.

– Có thời gian biểu về sinh hoạt, học tập, vui chơi … cho trẻ

– Luôn gần gũi hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ để chia sẻ tình cảm, tạo cho trẻ cảm giác an toàn và luôn được yêu thương.

– Trong gia đình mỗi người lớn đều có một trách nhiệm nhất định trong việc giáo dục trẻ. Thông thường mẹ là người dạy con làm việc nhà, thể hiện tình cảm yêu thương đằm thắm dịu dàng, còn bố thường là người giúp đỡ con về học tập, dạy con tính mạnh dạn, tự tin và tự lập trong giải quyết công việc. Còn ông bà thường là những người hiền từ điềm đạm bao dung, quan tâm đến nề nếp sinh hoạt của trẻ, kể chyện cho trẻ nghe, chăm sóc và bảo ban khi bố mẹ vẵng nhà. Tuy nhiên sự phân chia này chỉ là tương đối vì ai có khả năng thế mạnh nào thì phát huy dạy trẻ theo thế mạnh đó. Nhưng tất cả mọi người đều phải xuất phát từ lòng thương yêu trẻ, vì lợi ích và tương lai của trẻ để giúp trẻ phát triển lành mạnh.

– Đọc những cuốn sách, kể những câu chuyện mang tính giáo dục lòng nhân ái cho trẻ nghe và cho trẻ nói lại ý chính và nêu nhận xét của mình.

– Khi trẻ có hành vi sai phạm, hãy luôn bình tĩnh lắng nghe và tìm hiểu sự việc, giải thích cho trẻ hiểu và cùng giúp trẻ tìm cách khắc phục.

– Tránh cãi cọ mâu thuẫn trước mặt trẻ. Khi có điều gì căng thẳng ông bà bố mẹ nên giải quyết ở phòng riêng.

– Những hành vi ứng xử, lời nói của người lớn trong gia đình luôn ảnh hưởng tới trẻ vì trẻ học theo điều đó. Do vậy người lớn hãy là tấm gương tốt để trẻ noi theo.

– Luôn tạo không khí tươi vui, đầm ấm trong gia đình, thể hiện sự kính trên nhường dưới. Tổ chức sinh nhật, buổi đi thăm họ hàng bạn bè nên cho trẻ cùng tham gia, đi chơi dã ngoại, quan hệ tốt với các gia đình xung quanh… luôn là những điều tốt đẹp có tác dụng tốt cho sự phát triển tính cách của trẻ.

BS Quách Thúy Minh – Bệnh viện Nhi Trung Ương

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *