Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em là những đợt tắc nghẽn đường thở trên (một phần hoặc toàn bộ) xảy ra trong khi ngủ và dẫn đến ngưng thở. Triệu chứng thường thấy bao gồm: ngáy và đôi khi ngủ không yên, đổ mồ hôi về đêm, nhức đầu vào buổi sáng và khó tập trung. Nguyên nhân chủ yếu thường do amidan và/hoặc hạch hạnh nhân họng (VA) quá lớn làm cản trở luồng khí đi ra và đi vào phổi. Triệu chứng này thường kéo dài 10 đến 30 giây, và có thể lên đến 400 lần trong đêm.

Tỷ lệ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em là khoảng 2%. Tình trạng này thường không được chẩn đoán và có thể dẫn đến di chứng nghiêm trọng làm chất lượng giấc ngủ của trẻ không tốt, không có tác dụng giúp cơ thể trẻ nghỉ ngơi và hồi phục. Với trẻ lớn, nguy cơ này ngày càng tăng cao, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi cá nhân, chậm phát triển, rối loạn ứng xử và nhân cách, ảnh hưởng đến việc học tập và các vấn đề sức khoẻ trẻ như tình trạng cao huyết áp.

1.  NGUYÊN NHÂN GÂY HIỆN TƯỢNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ Ở TRẺ

– Amidan và adenoid phì đại: là nguyên nhân thường gặp nhất.  Amidan và adenoids (các tuyến nằm ở phía sau cổ họng) là một phần của hệ thống miễn dịch. Amidan có thể to ra do di truyền, nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm thường xuyên. Khi các tuyến này sưng hoặc xẹp xuống, làm bít tắc đường thở, khiến việc thở khi ngủ trở nên khó khăn hơn.

– Béo phì ở trẻ em: Hiện tượng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở trẻ em béo phì chiếm đến 60%.

– Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

+ Cấu trúc hàm trên nhỏ, bất thường ở hộp sọ hoặc mặt,

+ Sử dụng thuốc an thần có hoặc không có opioid,

+ Yếu cơ lưỡi và cơ vùng cổ họng,

+ Mắc hội chứng Down, bệnh hồng cầu hình liềm, bại não,

Bị dị ứng mũi, ở gần người lớn hút thuốc và có tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng được phát hiện là các yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em.

Béo phì là nguyên nhân hay gặp

2. KHI NÀO NÊN NGHI NGỜ TRẺ BỊ NGƯNG THỞ KHI NGỦ?

– Trẻ thường xuyên ngủ ngáy.

– Khó thở khi ngủ.

– Ngủ không ngon giấc.

– Hay phải trở mình luôn trong khi ngủ.

– Hay nằm sấp khi ngủ.

– Trẻ hay đái dầm.

– Trẻ hay phải thở bằng miệng.

– Trẻ ngủ ngày quá nhiều.

Ngủ ngáy, há miệng nhiều khi ngủ và nằm sấp là những triệu chứng hay gặp

3.  SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRẺ

– Trẻ đau đầu vào buổi sáng.

– Hay ngủ gật và ngủ ngày quá nhiều.

– Khó tập trung ở trường học ảnh hưởng đến kết quả học tập.

– Dẫn đến các vấn đề về hành vi bắt chước, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), điển hình như hiếu động thái quá, nổi loạn, bốc đồng.

– Tâm trạng khó chịu.

– Khó kiểm soát cảm xúc, thường xuyên cáu gắt.

– Chậm phát triển.

– Huyết áp cao.

Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng nếu không điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ sẽ khiến các nơron thần kinh bị tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ.

4.  CHẨN ĐOÁN NGƯNG THỞ KHI NGỦ Ở TRẺ EM

– Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi bạn nghi ngờ con bạn có biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

– Một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh gồm:

+ Polysomnogram (Đa kí giấc ngủ): là tiêu chuẩn vàng để đánh giá được hội chứng ngưng thở khi ngủ vì nó cung cấp kết quả chắc chắn nhất nhờ vào việc ghi lại hoạt động của sóng não, kiểu thở, tiếng ngáy, nồng độ oxy, nhịp tim và hoạt động của cơ trong khi con bạn ngủ. Tuy nhiên khó thực hiện ở trẻ nhỏ.

Đa kí giấc ngủ đo được sóng não, kiểu thở, ngáy

+ Đa kí hô hấp: đơn giản, tiện lợi, cung cấp kết quả tương đối chính xác, khả năng thành công cao ở trẻ.

Đa kí hô hấp khi ngủ

5.  ĐIỀU TRỊ NGƯNG THỞ KHI NGỦ Ơ TRẺ EM:

– Phẫu thuật cắt amidan nạo VA hoặc điều chỉnh chứng hàm nhỏ bẩm sinh

– CPAP và/hoặc giảm cân với sự hỗ trợ tích cực.

+ Phẫu thuật cắt amidan, nạo VA thường có hiệu quả ở trẻ em bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đối với chứng ngưng thở khi ngủ từ mức độ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể giới thiệu con bạn đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nhi để kiểm tra về việc loại bỏ amidan và VA.

+ Thở áp suất dương liên tục liên tục (CPAP): Máy đưa áp suất không khí vào phía sau cổ họng của con bạn để giữ cho đường thở của con bạn luôn mở. Có thể được sử dụng cho trẻ em với những đối tượng không chỉ định phẫu thuật chỉnh hình hoặc những người tiếp tục có ngưng thở khi ngủ sau khi đã cắt amidan, nạo VA.

Thở áp lực dương khi ngủ

+ Béo phì ở trẻ em là một yếu tố nguy cơ đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, giảm cân có thể làm giảm mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em mắc bệnh béo phì.

Giảm cân có thể làm giảm bớt các triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ béo phì

+ Điều trị tốt viêm mũi dị ứng.

ThS.BSCK2. Hồ Thiên Hương – Khoa Hô Hấp (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *