Trẻ mới đi học sẽ tiếp xúc nhiều hơn với mầm bệnh, trong khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị ho, sốt, viêm tai giữa… lặp lại, gọi là “hội chứng nhà trẻ”.

Bé Min (3 tuổi, Hà Nội) bị ốm với tần suất dày đặc khi đi học, khiến bố mẹ phải thay phiên nghỉ làm để trông giữ. Chị Ngọc, mẹ bé, cho biết con thường bị ho, chảy nước mũi, viêm tai giữa, viêm phế quản… tái lại nên chậm lớn và tăng cân. Trong khi ở nhà, bé luôn khỏe mạnh, chưa từng ốm yếu.

“Vợ chồng xin nghỉ làm hoài sẽ ảnh hưởng tới công việc, nhưng nếu không nghỉ, chúng tôi lo con chưa được chăm sóc đầy đủ”, chị Ngọc nói, cho biết thêm đã cho con đi khám thường xuyên, uống thuốc và dinh dưỡng theo bác sĩ khuyến cáo.

Còn vợ chồng chị Huyền Mai (25 tuổi, TP HCM) phải gửi con tới đơn vị chăm sóc trẻ nhỏ tư thục khi mới một tuổi do điều kiện công việc bắt buộc. Từ khi đi học, bé thường xuyên ho, sốt, một tháng phải đi khám vài lần. Sau khi khỏi bệnh, trẻ thêm kén ăn, da xanh xao.

Trẻ mầm non dễ mắc bệnh truyền nhiễm khi mới đi học. Ảnh: Freepik
Trẻ mầm non dễ mắc bệnh truyền nhiễm khi mới đi học. Ảnh: Freepik

Hai em bé nói trên đã được chích ngừa vaccine năm trong một và sáu trong một. Gia đình dự định sẽ cho con tiêm thêm các mũi phòng bệnh hô hấp như cúm và phế cầu, để giảm tình trạng bệnh tái lại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết tình trạng của các bé nói trên còn gọi là “hội chứng nhà trẻ”, thường xảy ra trong một đến hai năm đầu khi tới trường.

Tình trạng này khá phổ biến. Một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2017 ước tính trung bình mỗi em bé mắc từ 5-7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp mỗi năm. Thống kê của Học viện Nhi khoa Mỹ năm 2017, cho biết thông thường trẻ nhỏ mắc 10-12 lần nhiễm trùng đường hô hấp một năm. Nhóm bệnh viêm đường hô hấp có thể gây ho, sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt và kéo dài khoảng mười ngày. Những em bé ở nhà càng lâu sẽ càng ít bị nhiễm trùng, sau đó gặp “hội chứng nhà trẻ” khi đi mẫu giáo hoặc lớp một.

Bác sĩ Thảo giải thích khi ra ngoài, trẻ sẽ tiếp xúc với mầm bệnh nhiều hơn trong khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dẫn tới thường xuyên mắc bệnh. Nhóm dưới 5 tuổi có “khoảng trống miễn dịch” do chưa được tiêm mới, tiêm nhắc nhiều loại vaccine quan trọng để củng cố miễn dịch. Cuối cùng, một số em bé bị suy yếu về thể chất (ví dụ như ống Eustachian kém phát triển) nên dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn.

Trẻ nhỏ được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine. Ảnh: Mộc Thảo
Trẻ nhỏ được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine. Ảnh: Mộc Thảo

Quá trình thăm khám, bác sĩ Thảo nhận thấy “hội chứng nhà trẻ” khiến nhiều người lớn bị ảnh hưởng công việc, kinh tế và chất lượng sống do con bị ốm liên tục. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng trẻ chắc chắn sẽ bị ốm khi đi học, vì phải làm quen môi trường rộng lớn hơn. Sau một thời gian tiếp xúc với mầm bệnh, miễn dịch của các bé sẽ dần dần được cải thiện. Trẻ sẽ lớn, phát triển bình thường khi được chăm sóc đúng, phòng ngừa đúng, không gặp bệnh nhiễm trùng nặng phải nhập viện, ví dụ viêm phổi…

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống VNVC, cho biết gia đình không thể giữ trẻ ở nhà để tránh bị ốm. Thay vào đó, phụ huynh nên hỗ trợ để con có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh.

Một trong những giải pháp an toàn là tiêm ngừa đủ số mũi cơ bản và nhắc lại. Nhờ đó, trẻ có miễn dịch tốt hơn, giảm tần suất ốm. Các vaccine đã được thử nghiệm hiệu quả phòng bệnh trước khi đưa vào tiêm chủng đại trà, là cách xây dựng hệ miễn dịch an toàn cho các bé. Khi trẻ được bảo vệ, sẽ tránh nguy cơ xuất hiện ổ dịch hoặc bùng phát dịch trong trường mầm non.

Theo bác sĩ Chính, có 5 loại vaccine gia đình nên chủng ngừa cho con. Đầu tiên là mũi ngừa cúm, tiêm nhắc lại lại hàng năm. Tiếp theo, em bé cần tiêm nhắc một mũi ngừa phế cầu khuẩn (nếu trong 2 năm đầu đời chưa tiêm đủ), bạch hầu – ho gà – uốn ván (nhắc lại mỗi 10 năm một lần), não mô cầu khuẩn. Với viêm não Nhật Bản, tùy độ tuổi và loại vaccine, lịch tiêm nhắc sẽ khác nhau. Ở giai đoạn này, trẻ còn cần các mũi phòng thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, viêm gan A và B.

Ngoài tiêm chủng, để giúp trẻ ít ốm hơn khi đi học, phụ huynh cần chú ý bổ sung dinh dưỡng, giúp con ngủ đủ giấc, tăng cường hoạt động vận động ngoài trời, tập thói quen giữ vệ sinh, cố gắng chăm sóc tốt khi mắc bệnh…

Mộc Thảo (vnexpress)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *