Trang chủ Nhi Khoa Hướng dẫn đánh giá và xử trí đau ở trẻ em

Hướng dẫn đánh giá và xử trí đau ở trẻ em

Đăng bởi  lúc

I. GIỚI THIỆU

Đau là một trải nghiệm cảm giác hay cảm xúc khó chịu liên quan với một tổn thương sẵn có hay tiềm tàng.

Đánh giá đau ở trẻ em là một công việc khá khó khăn do trẻ chưa giao tiếp hoặc hợp tác được với người thân hoặc nhân viên y tế. Khi đánh giá mức độ đau ở trẻ cần trả lời được các câu hỏi sau:

  • Trẻ có đau không?
  • Trẻ đau nhiều hay đau ít?
  • Trẻ đau như thế nào?
  • Làm thế nào để trẻ đỡ đau?

II. CÁC CÁCH ĐÁNH GIÁ ĐAU Ở TRẺ EM

1. Các thang điểm trẻ tự đánh giá mức độ đau của mình

Thang đánh giá theo điểm từ 0 – 10 điểm DÀNH CHO TRẺ TRÊN 7 TUỔI

Trên thang điểm từ 0 đến 10, trong đó “0” là không đau, “10” là đau nhất.

Câu hỏi là: Trẻ đau ở khoảng số mấy?

2. Các thang điểm người thân của trẻ hoặc nhân viên y tế đánh giá mức độ đau ở trẻ

2.1. Thang đánh giá mức độ đau quả biểu hiện nét mặt DÀNH CHO TRẺ TỪ 3 TUỔI TRỞ LÊN

Những hình mặt người này cho thấy các mức độ đau khác nhau, từ hình mặt người ở ngoài cùng bên trái là “Không đau”, các hình tiếp theo cho thấy cơn đau tăng dần cho đến hình mặt người ở ngoài cùng bên phải là “Cực kỳ đau”.

2.2. Thang đánh giá mức độ đau FLACC DÀNH CHO TRẺ TỪ 1 ĐẾN 3 TUỔI

FLACC là chữ viết tắt của:

  • Face: Khuôn mặt
  • Legs: Chân
  • Activity: Hoạt động
  • Cry: Khóc
  • Consolability: Động viên
Các tiêu chí đánh giá0 điểm1 điểm2 điểm
Khuôn mặtKhông có biểu hiện gì hoặc không cườiThỉnh thoảng nhăn mặt, nhíu mày, không tham gia, thờ ơThường xuyên hoặc liên tục nhíu mày, mím chặt miệng hoặc run lẩy bẩy
ChânTư thế bình thường, thoải máiBứt rứt, luôn động đậyCo chân, hay đạp/đá chân
Hoạt độngNằm yên, tư thế bình thường, cử động dễ dàngNằm không yên, ngó ngoáy, căng thẳngCo người, uốn cong hoặc co giật
KhócKhông khóc (dù thức hay ngủ)Khóc thút thít, kêu rên rỉ, thỉnh thoảng kêu đauKhóc to, kêu thét, thường xuyên kêu đau
Động viênHài lòng, thoải máiYên tâm khi được dỗ dành, vỗ về, an ủi hoặc nói chuyện có thể làm trẻ quên đauKhó dỗ dành hoặc an ủi

III. XỬ TRÍ ĐAU Ở TRẺ EM

1. Giảm đau không dùng thuốc

Đau thường liên quan đến sự sợ hãi, lo lắng hoặc khó chịu của trẻ. Do đó, người thân có thể áp dụng các biện pháp:

– Luôn bên cạnh trẻ để trẻ yên tâm, tin tưởng.

– An ủi, động viên, dỗ dành trẻ nói ra điều trẻ đang lo lắng, sợ hãi hoặc khó chịu.

– Tìm hiểu lý do khiến trẻ khó chịu: liên quan đến các sở thích của trẻ mà không được áp ứng, các hoạt động chăm sóc không phù hợp khiến trẻ không thoải mái, các vấn đề của trẻ có thể là: đói, quần áo, bỉm tã,… không phù hợp.

– Một số biện pháp đặc biệt:

  • Phân tán: giúp trẻ tập trung xem tivi, chơi trò chơi, hát – múa, làm các hành động gây cười;
  • Thư giãn;
  •  Kể chuyện – tưởng tượng;
  • Chườm ấm hoặc mát;
  • Tự khẳng định: dạy trẻ nói một số câu: “Sẽ nhanh khỏi thôi”, “Khi về nhà, mình sẽ thấy khỏe hơn, mình sẽ được ăn kem”,…

2. Giảm đau dùng thuốc

Trẻ có thể được sử dụng các thuốc giảm đau qua đường uống, đường tiêm, bôi hoặc xịt ngoài da, miếng dán, viên đặt hậu môn,… Thuốc giảm đau cũng có nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới các cơ quan của trẻ: hô hấp, tiêu hóa, thần kinh,… Do đó, trẻ cần được dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của điều dưỡng.

 Lưu Thị Bích – Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa
Bệnh viện Nhi Trung ương

Nếu bạn thích bài viết này xin hãy chia sẻ trên
Bình luận
  • Bình luận bằng Facebook
  • Bình luận bằng tài khoản

Bạn phải đăng nhập để có thể comment.

    Tags: