Con tôi 20 tháng, có thói quen cho nhiều đồ vật vào miệng, kể cả lá cây, đất, mảnh xi măng… Làm sao ngăn tình trạng này và tẩy giun cho con thế nào? (Khánh An, Đồng Nai)
Trả lời:
Nghiên cứu đăng trên PubMed quan sát về hành vi ngậm đồ vật của 108 trẻ 0-18 tháng và 110 trẻ 19-36 tháng tuổi cho thấy hành vi ngậm phụ thuộc vào độ tuổi, loại đồ vật được ngậm vào miệng.
Trong đó, trẻ 0-18 tháng có thời gian ngậm các độ vật trung bình mỗi ngày gồm núm vú giả là 108 phút, đồ chơi bằng nhựa khoảng 17 phút, đồ ngậm nướu trong 6 phút và các đồ vật khác 9 phút. Ở nhóm trẻ 19-36 tháng tuổi, thời gian ngậm núm vú giả khoảng 126 phút, đồ chơi bằng nhựa là hai phút, các đồ vật khác khoảng hai phút.
Trẻ gặm, mút đồ vật là hành vi bình thường trong quá trình trẻ phát triển, giúp học hỏi và thỏa mãn trí tò mò tự nhiên. Tuy nhiên, phụ huynh không thể để con cho mọi thứ vào miệng vì nguy cơ hóc nghẹn, ngộ độc do nuốt nhiều chất độc hại như thuốc, chất tẩy rửa, côn trùng, phân bón. Trẻ nuốt một số vật dụng chi tiết nhỏ từ đồ chơi, pin, đồng xu, tăm tre sẽ nguy hiểm, gây thủng dạ dày, tắc ruột.
Phụ huynh ngăn trẻ nhỏ ngậm, mút đồ chơi, đồ vật có thể rất khó. Song cha mẹ có thể hạn chế rủi ro bằng cách mua, cho con sử dụng đồ chơi phù hợp. Ưu tiên dùng loại bằng gỗ tự nhiên, làm từ silicon an toàn cho thực phẩm và không chứa hóa chất nhựa có hại như BPA. Cha mẹ cần dạy cho bé những đồ vật không thể cho vào miệng.
Không gian bé ngủ, sinh hoạt cần hút bụi, vệ sinh thường xuyên. Người lớn không mua cho bé đồ chơi kích thước nhỏ hơn hai ngón tay vì bé rất dễ nuốt. Thường xuyên kiểm tra không gian sống để đảm bảo không có vật dụng nguy hiểm mà trẻ cầm, nắm được.
Theo điều tra của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ nhiễm giun chung của cả nước vào khoảng 30%. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ nhiễm cao nhất, trên 50%. Tiếp đến là các tỉnh miền Trung 30-50%, sau là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng 10-30% và nhiễm thấp nhất ở các tỉnh miền Nam 10-20%. Nhóm người có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ tuổi sinh sản.
Trường hợp gây biến chứng nguy hiểm có thể tử vong như thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, ho ra máu do sán lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não…
Trẻ từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tuổi sử dụng thuốc Albendazole 200 mg hoặc Mebendazole 500 mg một liều duy nhất. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên sử dụng thuốc Albendazole 400 mg hoặc Mebendazole 500 mg một liều duy nhất. Nhóm trẻ có thói quen bốc nhiều đồ vật vào miệng có nguy cơ nhiễm giun cao hơn, cần đi khám, tầm soát để điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Để phòng ngừa nhiễm giun, trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bé cần chín, uống sôi, không đi chân đất, hạn chế để trẻ bò lê dưới đất, không cắn móng tay, ngậm đất cát, bùn.
Nguồn: BS.CKI Hy Bội Lâm
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
0 Bình luận