Nắng nóng oi bức khiến trẻ đến khám vì mắc bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa… tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tăng. Trong lúc chờ khám bệnh, phụ huynh dùng quạt, cho trẻ uống nước để giải nhiệt.

Dãy ghế trước khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trưa 4-4 có rất đông phụ huynh và trẻ nhỏ ngồi chờ tới lượt khám bệnh. Thời tiết oi bức, nhiều phụ huynh dùng quạt giải nhiệt cho con trẻ - Ảnh: XUÂN MAI
Dãy ghế trước khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trưa 4-4 có rất đông phụ huynh và trẻ nhỏ ngồi chờ tới lượt khám bệnh. Thời tiết oi bức, nhiều phụ huynh dùng quạt giải nhiệt cho con trẻ – Ảnh: XUÂN MAI

Ghi nhận trưa 4-4 tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), rất đông phụ huynh cùng con trẻ chờ đến lượt khám bệnh và chờ kết quả khám bệnh. Dù không gian bệnh viện thoáng đãng nhưng với thời tiết nắng nóng khó chịu, phụ huynh phải liên tục quạt và cho trẻ uống nước để giải nhiệt.

Có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tờ mờ sáng, bà Nhiên (bà của bệnh nhi T.B.N., 17 tháng tuổi) cho hay ngoài mắc bệnh mô bào, những ngày qua cháu N. hay bứt rứt, khó chịu, bú và ăn kém vì trời nắng nóng, nên gia đình đưa khám thêm. “Trời mấy ngày nay nắng nóng quá, nên tranh thủ đem theo máy quạt điện mini quạt giải nhiệt cho cháu”, bà Nhiên nói.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhi đến khám về các mặt bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng dao động 15.000 – 26.000 trẻ/tháng, tương đương khoảng từ 600 – 900 lượt khám/ngày.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Hải – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết với thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày qua, số lượt trẻ đến khám tại bệnh viện gia tăng. Trong tổng số lượt trẻ đến khám, có đến 6 – 6,5% trẻ chuyển nặng phải nhập viện (tăng hơn so với bình thường là 5%).

Theo đó, bệnh lý trẻ đến khám nhiều nhất tại bệnh viện là hô hấp (viêm phế quản, viêm họng…), rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột) và các bệnh về da. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận trẻ bị sốc nhiệt.

Bác sĩ Hải cho rằng hiện tượng El Nino năm nay khiến thời tiết cực đoan, nền nhiệt độ tăng cao làm phát triển các nguồn bệnh như siêu vi trùng, vi trùng, nấm… “Những nguồn này tăng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Khi chúng xâm nhập vào thức ăn thì gây bệnh tiêu hóa, xâm nhập đường hô hấp thì gây bệnh hô hấp”, bác sĩ Hải giải thích.

Làm gì để trẻ không bệnh mùa nắng nóng?

Để chăm sóc tốt cho trẻ trong thời tiết nắng nóng, BSCKI Trương Thị Ngọc Phú – phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 – khuyến cáo phụ huynh cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ, ăn uống hợp vệ sinh, tạo môi trường sống trong lành và an toàn, tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ.

Lưu ý hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng vì dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh.

Nếu phải hoạt động ngoài trời nên hướng dẫn che chắn cho trẻ cẩn thận, tránh những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10 – 14h), thời gian hoạt động ngoài trời không quá 60 phút/ngày.

Trong các bệnh lý trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào những ngày nắng nóng vừa qua, bệnh hô hấp chiếm nhiều nhất - Ảnh: XUÂN MAI
Trong các bệnh lý trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào những ngày nắng nóng vừa qua, bệnh hô hấp chiếm nhiều nhất – Ảnh: XUÂN MAI
Một bệnh nhi có triệu chứng ho nhiều, khó thở được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh. Bác sĩ chỉ định trẻ cần làm thêm các xét nghiệm, chụp X-quang... để tìm nguyên nhân gây bệnh - Ảnh: XUÂN MAI
Một bệnh nhi có triệu chứng ho nhiều, khó thở được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh. Bác sĩ chỉ định trẻ cần làm thêm các xét nghiệm, chụp X-quang… để tìm nguyên nhân gây bệnh – Ảnh: XUÂN MAI

Nguồn: Xuân Mai (Tuổi trẻ Online)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *