Khi chơi game, não sẽ sản xuất ra dopamine làm cho bản thân hưng phấn, năng lượng dồi dào nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tâm lý.
Người nghiện chơi game thường có tâm lý trốn tránh, ngại giao tiếp xã hội, từ đó dẫn đến rối loạn tâm thần nặng hơn. Ảnh minh họa: Pexels. |
Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa II Trần Duy Tâm, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM, chia sẻ. Ông nhấn mạnh những người bị trầm cảm, lo âu, có vấn đề ở thực tại, tổn thương tinh thần cũng dễ “chìm đắm” vào các trò chơi điện tử.
Khi chơi game, não sẽ sản xuất ra chất dopamine làm cho bản thân hưng phấn, tăng cường tính chiến đấu, năng lượng dồi dào.
Dù dopamine là chất có lợi, với những người nghiện game, muốn sản sinh được chất này phải dùng game để kích thích. Đây là nguồn kích thích phi thực tại, không giống như thể thao là hành vi thực tại giúp cơ thể kiện toàn.
Khi dopamine tiết ra thường xuyên, con người sẽ hứng thú, họ mau chóng muốn tìm lại nữa, tới mức độ trở thành một vòng xoắn bệnh lý, phải chơi để cung cấp lại dopamine, ngưng là khó chịu, dẫn đến nghiện.
“Những người có mặc cảm với xã hội, không yêu thích bản thân ở hiện tại hoặc không tự tin về bản thân sẽ tìm kiếm những nhân vật trong game. Ở đó, họ thoả mãn được nhu cầu thể hiện bản thân, lâu ngày không thể thoát ra được”, bác sĩ Tâm phân tích thêm.
Bên cạnh đó, những người nghiện game thường gặp vấn đề về sức khoẻ thể chất, bởi họ ngồi một chỗ trong thời gian lâu, thậm chí vài ngày, sử dụng chuột và bàn phím liên tục nên sẽ mắc hội chứng ống cổ tay, bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì, các bệnh về đường tiêu hoá, cột sống, trĩ…
Tuy nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có thể gặp phải là rối loạn tâm lý, tâm thần. Thực tế, có những trường hợp thanh thiếu niên nghiện game, nhất là các game bạo lực đã chìm đắm trong thế giới ảo mà nhập vai vào đời thực, dẫn đến các vụ ẩu đả.
Trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên nghiện game thường xao nhãng học tập, vui chơi và các mối quan hệ khác. Khi bị phụ huynh yêu cầu, can thiệp bắt buộc ngừng chơi game, nhiều trẻ không chấp nhận, cáu gắt, phản ứng mạnh hoặc thay đổi tính cách, thu mình, không hoà nhập với xã hội.
Bác sĩ Tâm dẫn lại một nghiên cứu ở châu Mỹ, châu Âu, cho thấy có 1% là người nghiện game nặng, 12% là lạm dụng game trong cuộc sống, khó thoát ra.
Nghiện game đứng thứ 3 trong 5 loại nghiện Internet. Nó khá phổ biến trong thanh thiếu niên. Với những người chơi game quá 4 giờ mỗi ngày, được xem nghiện game.
Với những người thường xuyên chơi game, bác sĩ Tâm khuyến cáo họ nên đặt ra 3 câu hỏi cho bản thân khi chơi:
Thứ nhất, tôi có tốn quá nhiều thời gian trong ngày để chơi game hay không?
Thứ hai, tôi có đang bị những người xung quanh trách móc về vấn đề chơi game quá nhiều hay không?
Thứ ba, tôi có luôn mong muốn, thôi thúc phải vào chơi game hay không?
“Ngay khi có câu trả lời, người chơi game cần dừng lại đúng lúc để bảo vệ bản thân”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Nguồn: Nguyễn Thuận (ZNews)
0 Bình luận