Bình thường ở hầu hết trẻ sơ sinh cuống rốn sẽ khô dần và rụng trong vài tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên, vì một số lý do (như: kẹp cắt rốn không đúng cách, chăm sóc rốn không đảm bảo điều kiện vệ sinh,…) làm rốn bé bị nhiễm trùng. Từ đó vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu làm bệnh trở nặng và dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
– Dấu hiệu cần đi khám: rốn ướt, chảy dịch hôi; rốn viêm đỏ có mủ; đôi khi có máu.
– Dấu hiệu cần khám NGAY:
Khi bé có một trong bất kỳ dấu hiệu nào sau đây phải đưa bé đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nghiêm trọng:
– Chảy máu rốn nhiều, khó cầm máu
– Vùng nhiễm trùng rốn lan rộng tạo quầng đỏ da quanh rốn có đường kính > 2cm
– Bé sốt cao, li bì, bú kém
2. Cách chăm sóc rốn đúng cách tại nhà
Thực hiện vệ sinh đúng cách khi rốn chưa rụng là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng rốn. Chăm sóc rốn sạch mỗi ngày và giữ chân rốn khô thoáng.
Cụ thể các bước như sau :
– Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ.
– Sau khi tắm xong, lau sạch rốn nhẹ nhàng bằng que tăm bông, được nhúng trong cồn 70 độ hoặc povidine-iodine 2-3% theo thứ tự:
+ 1 que lau từ chân rốn lên cuống rốn
+ 1 que lau quanh chân rốn
+ 1 que lau vùng da rộng ra xung quanh rốn.
– Nếu vùng rốn dính phân hay nước tiểu, nên nhẹ nhàng lau bằng nước sạch sau đó lau lại bằng nước muối sinh lý.
– Để hở vùng rốn, đóng tã thấp dưới rốn để tránh phân và nước tiểu tràn ngược lên rốn và tránh cho rốn bị kích ứng.
– Quan sát rốn và chân rốn mỗi ngày để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.
Rốn có mủ, chảy dịch hôi
Chảy máu rốn nhiều, khó cầm máu
Da quanh rốn sưng tấy, đặc biệt khi vùng đỏ da quanh rốn lan rộng
Bé sốt cao, li bì, bú kém
3. Một số điều cần tránh khi chăm sóc rốn
– Không băng rốn quá chật hay quá kín vì khi băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường cho vi trùng phát triển, làmrốn sưng tấy, chảy mủ.
– Không ngâm trẻ vào nước. Khi cuống rốn rụng, tắm trẻ như bình thường
– Tuyệt đối không rắc kháng sinh hoặc bất kỳ một chất gì (đắp lá, rắc hạt tiêu, các chất lạ, v.v.. ) lên rốn bé khi không có chỉ định bác sĩ.
– Không cố gắng giật hay kéo cuống rốn của bé khi rốn gần rụng. Hãy để rốn rụng tự nhiên.
Không băng rốn quá chật hay quá kín, nên để hở rốn và giữ rốn khô thoáng
BS Lê Các Uyên – Đơn vị đào tạo (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM)
0 Bình luận