Từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lên đến hơn 600 trường hợp, có xu hướng tiếp tục tăng.
Trẻ mắc bệnh thường nổi các nốt phỏng nước ở tay, chân, miệng. Ảnh: Dongnaigov. |
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 11 ổ dịch dại trên chó ở 6 huyện. Bên cạnh đó, số ca mắc bệnh chân tay miệng đã lên đến hơn 600 ca, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết là hơn 700 ca, giảm hơn 46%, có một ca tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai, cho biết bệnh tay chân miệng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện chưa ghi nhận ca bệnh nặng, nhưng thời gian tới bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng.
Ngoài ra, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, đáng lo ngại nhất là bệnh dại, gần như tất cả các huyện đều xuất hiện ổ dịch.
Đối với bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến dịch phức tạp, cho thấy sự khống chế toàn diện rất khó nếu không có sự vào cuộc của các cấp, các ngành.
Đồng thời, một số bệnh truyền nhiễm khác như sởi, Rubella.. có thể gia tăng do thiếu khoảng trống miễn dịch của năm 2023 vì thiếu vaccine tiêm ngừa.
Theo CDC Đồng Nai, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine phòng ngừa và chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Để phòng bệnh phụ huynh và các cơ sở giáo dục mầm non, các nhóm trẻ cần giữ vệ sinh cho các em.
Khi phụ huynh, giáo viên thấy trẻ có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và thực hiện cách ly kịp thời.
Nguồn: Nguyễn Thuận (Znews)
0 Bình luận