Tỷ lệ trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp, phải nhập viện điều trị kéo dài gia tăng, do thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường.
Đầu tháng 6, bé Lê Kiên (6 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP HCM) đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng sốt tái đi tái lại 6 ngày. Trước đó, bé khám ở một bệnh viện khác, được chẩn đoán viêm họng nhưng điều trị kháng sinh không giảm. Bé sốt, đau vai trái.
Kết quả chụp X-Quang cho thấy bé bị viêm phổi thùy dưới bên trái. Sau 4 ngày điều trị kháng sinh qua đường tĩnh mạch, tình trạng sốt cải thiện.
Một trường hợp khác, Nguyễn Minh (11 tuổi) được mẹ đưa đến bệnh viện cấp cứu do khó thở do bị suyễn cơn nặng. Chị Võ Thùy Phương (36 tuổi, mẹ bé) cho biết, 2 ngày trước, sau khi dầm mưa, bé sốt cao, ho đờm, sổ mũi. Tại BVĐK Tâm Anh, bé được thở oxy qua cannula, xông khí dung thuốc giãn phế quản. Bé đáp ứng với điều trị, giảm ho, giảm khò khè.
ThS.BS.CKI Trịnh Thị Hồng Vân, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tại bệnh viện, thời gian gần đây tỷ lệ trẻ mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn tăng cao không chỉ ở trẻ nhỏ tuổi mà ở cả những trẻ lớn tuổi (tăng 30% so với 2 tháng trước). Nhiều trẻ có tình trạng nặng phải điều trị kéo dài.
Hiện, miền Nam bước vào mùa mưa, nhiều cơn mưa rào bất chợt đan xen với nắng nóng. Thời tiết thất thường tăng nguy cơ kích ứng đường hô hấp ở trẻ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển,dễ lây nhiễm qua đường hô hấp gây viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Các triệu chứng điển hình là ho, sốt, sổ mũi, đau họng, khò khè.
Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến, dễ phát và tái phát trong thời điểm giao mùa do tăng nguy cơ gặp các tác nhân gây kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp. Lúc ngày người bệnh phát cơn ho (tăng tiết đờm rãi) và co thắt cơ trơn phế quản gây khò khè, khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong (đột tử) .
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) số người mắc hen suyễn có xu hướng ngày càng tăng. Ước tính hiện nay, có khoảng gần 400 triệu người mắc bệnh hen trên thế giới.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 4 triệu người bệnh hen suyễn, có 2-6% dân số nói chung và 8-10% trẻ em mắc bệnh hen, trong đó độ tuổi 12-13 có tỷ lệ cao nhất châu Á với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em thường ở giai đoạn muộn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng.
Bác sĩ Vân khuyến cáo, khi thời tiết giao mùa phụ huynh nên thận trọng hơn trong chăm sóc trẻ; trang bị ô dù, áo mưa, tránh để trẻ nhiễm mưa lạnh; thay quần áo và giữ ấm ngay sau khi gặp mưa. Trẻ đã vào thời gian nghỉ hè, tuy nhiên phụ huynh không nên cho con vui chơi quá độ giữa thời tiết ẩm ương.
Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, ăn chín, uống nước đun sôi để nguội và học tập sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, trong lành; không nên để môi trường ngủ quá lạnh hoặc quá nóng; tiêm đầy đủ vaccine theo đúng lịch để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Trường hợp trẻ đi du lịch cùng gia đình trong dịp nghỉ hè cần đề phòng các bệnh đường hô hấp, chuẩn bị trang phục phù hợp với từng vùng miền. Ngoài ra, bé cần phòng ngừa các bệnh khác như: tay – chân – miệng, sốt xuất huyết, bệnh về da, mắt, bệnh đường tiêu hóa…
Khi trẻ có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, khò khè, khó thở… cần đưa đến bệnh viện để điều trị sớm.
Hoài Thương – VNexpress
0 Bình luận