Trẻ 13 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa và được chẩn đoán bị loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày. Đáng nói, bệnh lý này chủ yếu gặp ở lứa tuổi 30 đến 50 tuổi thì nay trẻ dưới 16 tuổi cũng ghi nhận gia tăng.
Trẻ dưới 16 tuổi mắc viêm loét dạ dày
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, phó trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ dưới 16 tuổi, đang trong độ tuổi đi học bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
Đơn cử, mới đây bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi V.C.L. (13 tuổi, trú tại Quảng Ninh) bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày, viêm trào ngược thực quản, kết quả xét nghiệm HP dương tính. Trước đó, trẻ bị đau bụng cơn vùng thượng vị, nôn, đại tiện phân đen.
Theo bác sĩ Sơn, viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương, biểu hiện là những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc.
“Đa số trẻ sẽ có những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ kéo dài từng cơn hoặc dữ dội tùy vào vị trí ổ loét, buồn nôn và nôn, chán ăn, ợ chua…
Một số triệu chứng nặng như đi ngoài phân đen do chảy máu ổ loét, có những trường hợp trẻ bị chảy máu ổ loét tự cầm được hoặc trường hợp nặng hơn phải can thiệp cầm máu ổ loét.
Khi bị xuất huyết dạ dày – tá tràng, trẻ dễ bị thiếu máu, choáng ngất, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
Nếu không được điều trị kịp thời, chống loét tích cực, trẻ có nguy cơ biến chứng thủng dạ dày, dẫn tới viêm phúc mạc, thậm chí tử vong”, bác sĩ Sơn thông tin.
Khói thuốc thụ động có thể gây bệnh tiêu hóa
Bác sĩ Sơn thông tin thêm nguyên nhân gây bệnh thường gặp chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
Ngoài ra viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính – thứ phát còn do các nguyên nhân khác như stress, bỏng nặng, chấn thương nặng, các thuốc corticoid, NSAID. Do trẻ mắc bệnh toàn thân như bệnh Crohn, bệnh tự miễn.
Ngoài ra, tiền sử gia đình, thói quen ăn uống không lành mạnh (ăn quá nhiều đồ quá cay nóng hoặc chiên xào, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng nhai không kỹ), căng thẳng, stress kéo dài do áp lực học tập, thi cử… cũng tăng nguy cơ gây bệnh.
Bên cạnh đó, trẻ sống trong môi trường khói thuốc lá cũng là một nguyên nhân không chỉ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hô hấp, tim mạch…
Bác sĩ Sơn khuyến cáo để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đảm bảo chế biến thức ăn cho trẻ phải được nấu chín, không nên ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ nhiều dầu mỡ. Đặc biệt những loại thức ăn sẵn, đồ ăn nhanh như mì tôm, bim bim, nước uống có gas.
Cha mẹ cũng chú ý cho trẻ ăn đủ bữa, đúng bữa, không ăn quá no, sau ăn không nên vận động mạnh, buổi tối nên ăn đồ dễ tiêu.
Rèn luyện cho trẻ chế độ học tập và ngủ nghỉ điều độ, tránh tạo áp lực điểm số, học tập, thi cử cho trẻ. Trẻ cần được học tập và vui chơi cân bằng, tạo không khí học tập vui vẻ khi đến trường
“Khi trẻ có những biểu hiện bất thường như đau bụng tái diễn, đau bụng kéo dài, đau tức thượng vị, ăn khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, mệt mỏi gầy sút cân… Những trẻ đã mắc bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, uống thuốc theo đơn và tái khám theo hẹn”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Dương Liễu (Tuổi trẻ online)
0 Bình luận