Câu hỏi: Bé nhà tôi hiện 2 tuổi, chưa biết nói nhiều. Thỉnh thoảng con quấy khóc, kêu đau bụng nhưng tôi không biết khi nào thì cần phải đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. Xin bác sĩ hướng dẫn.
Trả lời:
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội
Biểu hiện đau bụng ở trẻ em khác nhau theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi. Trẻ chưa biết nói thường sẽ biểu hiện bằng triệu chứng quấy khóc liên tục với vẻ mặt nhăn nhó, đau đớn.
Những trẻ lớn hơn có thể sẽ nói với cha mẹ về tình trạng đau bụng, xác định được vị trí và mô tả tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng chính xác.
Trẻ thường đau bụng vùng quanh rốn hoặc giữa bụng với cơn đau thoáng qua. Bé cần được đưa đến bệnh viện nếu đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải, đau bụng lan xuống vùng bẹn kèm theo đi tiểu khó.
Cơn đau kéo dài quá 24h hay mức độ đau trở trầm trọng hơn. Trong tình huống này, trẻ có thể đau bụng do viêm ruột thừa hay những vấn đề nghiêm trọng khác.
Nôn là một trong những triệu chứng đi kèm thường gặp. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24h hoặc bé nôn liên tục, nôn ra tất cả sau khi ăn hoặc uống. Ngoài ra, cha mẹ cần quan sát trẻ có dịch nôn màu xanh hoặc vàng, máu đỏ tươi hoặc máu đông hay không.
Tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng. Tình trạng tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhày máu hoặc có biểu hiện mất nước.
Khi có các biểu hiện nặng, trẻ cần được đi khám tại các cơ sở y tế. Tại đây, bác sĩ sẽ cần làm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp X-quang bụng để xác định chính xác nguyên nhân.
Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có hướng xử trí sẽ khác nhau. Trẻ có thể sẽ được dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật.
Độc giả Mỹ Dung (Znews)
0 Bình luận