– Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn vì một lý do nào đó, có thể tắc nghẽn do phân cứng, nhiễm trùng hoặc viêm ở các hạch bạch huyết nằm trong ruột.
– Là một bệnh cấp cứu ngoại khoa rất thường gặp, chiếm 25% trẻ nhập viện vì đau bụng và chiếm trên 40% những phẫu thuật cấp cứu vùng bụng.
– Nếu không được xử trí kịp thời, viêm ruột thừa đe dọa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể khi ruột thừa bị vỡ, vi khuẩn sẽ được giải phóng vào khoang ổ bụng, gây nhiễm trùng nặng.
– Nhận biết bệnh viêm ruột thừa ở trẻ là một việc khó khăn. Bởi vì trẻ còn nhỏ, nhiều trường hợp chưa biết diễn đạt hoặc mô tả các triệu chứng đang gặp phải.
– Một số triệu chứng giúp ba mẹ có thể nhận biết và đưa trẻ đi khám sớm:
• Đau bụng vùng hố chậu phải: thường bắt đầu ở vùng trên rốn, sau đó đau quanh rốn rồi tập trung về vùng hố chậu phải.
• Khi bác sĩ khám, sờ vào trẻ đau, dấu hiệu phản ứng thành bụng dương tính, đau khi thay đổi áp lực đột ngột.
• Ở những trẻ viêm ruột thừa dưới 2 tuổi, do trẻ không thể mô tả cũng như xác định vị trí đau, viêm ruột thừa thường khó nhận biết, các ba mẹ cần lưu ý những dấu hiệu như thường xuyên quấy khóc, sốt, nôn, rối loạn tiêu hóa.
• Biếng ăn: Đột nhiên trẻ biếng ăn ngay cả khi trẻ được ăn những món ăn mà hằng ngày trẻ rất yêu thích.
• Sốt: Trẻ bị sốt từ 37-39 độ C, một số trường hợp có thể sốt cao trên 40 độ C. Mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn.
• Có thể biểu hiện buồn nôn, nôn, bụng đầy chướng khó chịu, có thể kèm theo tiêu chảy hoặc táo bón, đi tiểu thường xuyên, đau khi đi tiểu.
– Trẻ bị đau bụng không có nghĩa là trẻ bị viêm ruột thừa. Cần lưu ý phân biệt tình trạng trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đầy bụng, khó tiêu, do dị ứng với thức ăn hay các bệnh lý thường gặp khác như lồng ruột, viêm ruột…
– Tại khoa Siêu âm BV NĐ1, đã từng phát hiện những trường hợp viêm ruột thừa ở trẻ sơ sinh, dưới 2 tuổi. Thường những trường hợp này chẩn đoán rất khó khăn và bệnh nhi vào viện trễ ở giai đoạn viêm phúc mạc ruột thừa. Sau khi được chẩn đoán, các bé được mổ cấp cứu và quá trình hậu phẫu diễn ra thuận lợi, tiến triển tốt.
– Siêu âm được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế trong chẩn đoán viêm ruột thừa. Đây là một phương tiện hình ảnh có chi phí thấp, hữu ích đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai vì không sử dụng tia X. Tuy nhiên, nhược điểm là phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm siêu âm hoặc viêm ruột thừa trên các cơ địa đặc biệt như béo phì, ruột chướng nhiều hơi.
– Tư liệu hình ảnh: Khoa CĐHA Siêu âm – bệnh viện Nhi đồng 1
– Bs Nguyễn Thị Thuận Thiên – Khoa CĐHA Siêu âm
0 Bình luận