Em bé chưa đầy một tháng tuổi suy hô hấp, phải thở máy sau khi nhập viện vài ngày do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

Bé M.H. (chưa đầy một tháng tuổi, ngụ Hạ Long, Quảng Ninh) được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng ho đờm, khò khè tăng dần. Từ kết quả chụp X-quang, trẻ được chẩn đoán viêm phế quản phổi.

Sau 2 ngày chăm sóc, theo dõi tại khoa Nhi, bệnh nhi xuất hiện tình trạng ho nhiều, thở nhanh, SpO2 giảm còn 90%, tăng tiết đờm, co kéo cơ hô hấp, dương tính với xét nghiệm virus RSV.

Bé rơi vào tình trạng suy hô hấp, viêm phế quản phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), phải điều trị hồi sức tích cực gồm thở máy, bù dịch, vỗ rung hô hấp, kháng sinh.

May mắn, sau 2 ngày, tình trạng trẻ tiến triển, chỉ số hô hấp cải thiện, được cai thở máy.

virus RSV anh 1
Em bé chưa đầy một tháng phải thở máy vì nhiễm virus RSV. Ảnh: BVCC.

Cùng thời gian này, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị cho khoảng 3-4 trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản do nhiễm virus RSV. Các bé đều nhập viện với triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn San, Phó trưởng khoa Nhi, đa số trẻ dưới 2 tuổi thường nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV.

Đặc biệt, những trẻ có yếu tố nguy cơ như trẻ sơ sinh, sinh non khi nhiễm virus RSV có thể bị biến chứng nặng, gây viêm phế quản phổi, viêm phổi, suy hô hấp, xẹp phổi, ứ khí phổi… Các trường hợp này đều phải can thiệp điều trị hỗ trợ bằng thở oxy, thở máy…

Hiện tại, thời điểm giao mùa xuân – hè là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, trong đó có RSV dễ dàng phát triển, xâm nhập và gây bệnh cho trẻ nhỏ có sức đề kháng non yếu.

Theo bác sĩ San, virus RSV gây triệu chứng rất dễ trùng với các bệnh đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp, sốt giống cảm lạnh thông thường, khó để phân biệt.

“Khi trẻ có biểu hiện chuyển biến nặng như sốt cao, khó thở, ăn kém, ho, môi xanh tím, thở nhanh, mạnh, khò khè nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, can thiệp điều trị kịp thời”, phó khoa Nhi khuyến cáo.

Hiện tại, loại virus này vẫn chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

Virus RSV có thể tồn tại 30 phút trên tay, tối đa 5 giờ trên bề mặt (vật dụng, bàn ghế, đồ chơi của trẻ) và lây truyền qua giọt bắn, dịch tiết hô hấp nhiễm virus trên các bề mặt.

Người bị cúm, viêm đường hô hấp cần hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ qua ôm, hôn, mớm thức ăn…

Người lớn cũng cần thường xuyên vệ sinh bề mặt, vệ sinh tay, đeo khẩu trang và tiêm phòng cúm đầy đủ cho trẻ để hạn chế các nguồn lây virus RSV hoặc các virus gây bệnh khác. Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi, trẻ cần được giữ ấm để tránh nhiễm bệnh.

Linh Thùy (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *