Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn non nớt và có thể phải đối mặt với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều loại bệnh nguy hiểm ngày nay đã có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Là ba mẹ, ai cũng mong muốn con phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Vì thế, ngay từ giai đoạn đầu đời, ba mẹ cần trang bị cho con tấm lá chắn vững chắc bảo vệ sức khỏe là vaccine, trong đó không thể không kể đến vaccine phòng 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Nếu tiêm chủng chậm lịch, không đủ liều, trẻ có nguy cơ mắc bệnh và gặp di chứng càng cao.

Bạch hầu

Theo Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9 ca mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc trưng bởi lớp giả mạc trắng ở hầu họng, khi phồng to dễ gây tắc đường thở dẫn đến tử vong.

VNVC anh 1
Bạch hầu đặc trưng với lớp giả mạc trắng. Ảnh: Wiki.

Nhiễm độc bạch hầu dễ dẫn đến biến chứng viêm cơ tim, viêm dây thần kinh. Khi bị viêm cơ tim do bạch hầu, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80-90%.

Ho gà

Ho gà thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Từ đầu năm đến cuối tháng 7 năm nay, riêng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị gần 400 bệnh nhi, chủ yếu là trẻ chưa đến tuổi chủng ngừa hoặc chưa tiêm đầy đủ số mũi vacine phòng bệnh.

VNVC anh 2
Nhiều mầm bệnh nguy hiểm chực chờ tấn công trẻ khi chưa kịp tiêm vaccine. Ảnh: Unsplash.

Ho gà gây nhiều biến chứng ở đa cơ quan như viêm phổi, viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng và bệnh lý não. Nếu qua khỏi, các cơn ho vẫn kéo dài khiến ăn uống kém dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi, kém hoạt bát như bạn đồng trang lứa.

Uốn ván

Uốn ván có tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Mầm bệnh ở khắp mọi nơi như đất, cát và lây nhiễm vào cơ thể qua các vết thương hở. Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch từ tiêm vaccine và mất dần kháng thể bảo vệ từ mẹ có nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh nhi uốn ván tử vong do co cứng toàn thân, suy hô hấp và rối loạn thần kinh thực vật.

VNVC anh 3
Trẻ chưa có miễn dịch từ vaccine uốn ván có nguy cơ mắc bệnh cao. Ảnh: Freepik.

Bại liệt

Tại Việt Nam, trước khi có vaccine, những năm 1957 – 1959, bại liệt từng bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 bệnh nhi, trong đó hơn 500 ca tử vong. Bệnh gây liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong, liệt chi không hồi phục, thường là ở chân, gây khó vận động hoặc mất vận động.

Bệnh do vi khuẩn Hib

Hib gây viêm phổi nặng, viêm màng nãovà các bệnh xâm lấn khác ở trẻ dưới 5 tuổi với tỷ lệ tử vong khoảng 20%. Bệnh do vi khuẩn Hib diễn biến nặng thường xảy ra trước khi trẻ đủ 24 tháng tuổi và nguy cơ cao nhất ở trẻ từ 4 đến 18 tháng tuổi.

Viêm màng não do vi khuẩn Hib có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, não úng thủy, điếc, rối loạn tâm thần với tỷ lệ lên đến 30%.

VNVC anh 4
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện rất dễ mắc bệnh. Ảnh: Shutterstock.

Viêm gan B

Virus viêm gan B gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan… và là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam. Theo thống kê của WHO năm 2017, cứ 100 người Việt Nam thì có 8 người nhiễm virus viêm gan B.

Khoảng 80-90% trẻ sinh ra bị nhiễm virus trong thời gian 1 năm đầu đời và 30-50% trẻ bị nhiễm virus trước 6 tuổi sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính.

VNVC anh 5
Tiêm ngừa cho trẻ là cách phòng bệnh hiệu quả cao. Ảnh: Shutterstock.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, hiện cả 6 bệnh kể trên đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Trong đó, vaccine 6 trong 1 là loại vaccine phòng được nhiều bệnh nhất gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib trong một mũi tiêm. Vaccine có thành phần ho gà vô bào, hạn chế phản ứng sốt, đau sau tiêm cho trẻ.

Trẻ cần tiêm 3 mũi tiêm vào các tháng 2, 3, 4 (có thể tiêm sớm từ 6 tuần tuổi) và tiêm mũi 4 nhắc lại vào lúc 16-18 tháng tuổi, cần hoàn thành trước 2 tuổi.

Tại Việt Nam, vaccine 6 trong 1 có 2 loại. Loại của Pháp ở dạng pha sẵn, loại của Bỉ sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vacine đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau. Phụ huynh hãy tham vấn bác sĩ khi đưa con đi tiêm chủng và quan trọng là cần tiêm đủ liều và đúng lịch cho con.

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *