Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu hơn so với người trưởng thành nên dễ ốm, cách tăng đề kháng là hoạt động ngoài trời, chú ý dinh dưỡng, tiêm nhắc vaccine.
Thời tiết cuối hè thất thường, đột ngột chuyển biến từ nắng sang mưa, tạo điều kiện cho mầm bệnh cúm, viêm phổi… phát triển. Trong bối cảnh này, phụ huynh có thể tăng cường miễn dịch cho trẻ với 6 biện pháp dưới đây.
Dành thời gian hoạt động ngoài trời
Theo LiveScience, trẻ em nên được khuyến khích ra ngoài và chơi đùa trên nền đất. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy trẻ tiếp xúc môi trường tự nhiên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh dị ứng và tự miễn – tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng bất lợi với cơ thể. Qua đó, cơ thể cũng học được cách phân biệt những tế bào có lợi và gây hại cho cơ thể.
Gia đình nên tìm hiểu kỹ khu vực cho trẻ vui chơi, chọn nơi có không khí trong lành, tránh ô nhiễm do chứa nhiều mầm bệnh, hóa chất gây hại, bụi bẩn. Mỗi ngày, trẻ nên hoạt động ngoài trời trong vòng một giờ, có thể đi dạo, chơi hoặc tập thể dục.
Cập nhật các mũi vaccine
Theo Parents, tiêm nhắc vaccine được khuyến nghị thực hiện trước khi trẻ quay lại trường học để tạo miễn dịch chủ động với nhiều tác nhân bệnh như viêm màng não, bại liệt, thủy đậu… Nếu gia đình chưa rõ loại vaccine nào quan trọng với trẻ, cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ. Cha mẹ cũng cần cập nhật những mũi tiêm phòng của bản thân để hạn chế nhiễm bệnh và lây cho trẻ.
Tăng bổ sung trái cây và rau xanh
Chất dinh dưỡng từ trái cây và rau xanh giúp tăng sản xuất tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng và interferon – loại kháng thể bao phủ bề mặt tế bào có chức năng chặn virus. Nhiều bằng chứng khoa học cũng cho thấy chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng thực vật cũng có thể giảm khả năng mắc các bệnh mạn tính như ung thư và bệnh tim ở tuổi trưởng thành.
Gia đình nên cho con ăn năm khẩu phần trái cây và rau xanh mỗi ngày. Một số thực phẩm được khuyến cáo như: cà rốt, đậu xanh, cam.
Đảm bảo đủ thời gian ngủ
Trẻ nghỉ hè thường tham gia nhiều hoạt động cùng gia đình và bạn bè, nguy cơ giảm thời gian ngủ. Thiếu ngủ dẫn tới giảm số lượng tế bào miễn dịch tự nhiên, giảm khả năng tấn công mầm bệnh và tế bào ung thư. Vì vậy, trẻ cần ngủ đủ giấc, lên giường sớm để đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.
Bé sơ sinh có thể cần ngủ tới 16 giờ mỗi ngày, bé mới biết đi nên ngủ từ 11 đến 14 giờ và trẻ mẫu giáo cần ngủ từ 10 đến 13 giờ.
Tránh khói thuốc lá
Cha mẹ, người thân trong gia đình nên bỏ thuốc lá trong quá trình chăm sóc trẻ. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, nhiều loại trong số đó có thể kích ứng hoặc phá hủy tế bào trong cơ thể.
Đối với trẻ em, khói thuốc lá gây hại nhiều hơn so hơn người lớn. Lý do, trẻ hít thở nhanh hơn và hệ thống thải độc tự nhiên kém phát triển hơn.
Thuốc lá điện tử cũng gây hại cho sức khỏe của trẻ em do giải phóng các chất gây ung thư tiềm ẩn như nitrosamine. Sản phẩm này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn ở trẻ em.
Quá trình cai thuốc lá có thể khó khăn. Người lớn có thể nói chuyện với chuyên gia để có lộ trình cai thuốc lá phù hợp. Trước khi bỏ thuốc lá hoàn toàn, cha mẹ, người chăm sóc trẻ nên hút thuốc ngoài trời và cách xa trẻ em, nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khói thuốc lá.
Duy trì thói quen phòng bệnh
Trang Harvard Health khuyến cáo gia đình giữ sức khỏe cho trẻ, bằng cách duy trì một số phương pháp đơn giản như: rửa tay, che miệng khi ho và hắt hơi bằng khuỷu tay, tránh tiếp xúc người bệnh, đeo khẩu trang ở nơi đông người. Nếu trẻ có bệnh nền hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch, gia đình nên trao đổi với bác sĩ để thực hiện thêm những biện pháp phòng bệnh đặc thù khác.
Văn Hà (vnexpress)
0 Bình luận