Khi mắc tay chân miệng, hầu hết trẻ sẽ sốt trong giai đoạn đầu rồi dần thuyên giảm. Tuy nhiên, một số trường hợp bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại, khiến bố mẹ lo lắng không biết đây có phải dấu hiệu bất thường hay không. Tình trạng này có thể liên quan đến diễn biến bệnh, biến chứng nguy hiểm hoặc những yếu tố khác cần được theo dõi sát sao.

Nguyên nhân bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại

1. Sốt ở giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu của bệnh tay chân miệng, sốt là một trong những triệu chứng điển hình và thường xuất hiện sớm, báo hiệu cơ thể trẻ đang phản ứng với virus. Thông thường, trẻ có thể bị sốt nhẹ từ 37,5 – 38,5°C, nhưng cũng có trường hợp sốt cao trên 39°C, kéo dài từ 1 – 2 ngày trước khi các dấu hiệu khác như loét miệng, phát ban dạng bọng nước xuất hiện.

Sốt trong giai đoạn này là phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch khi cơ thể nhận diện và chống lại virus gây bệnh, chủ yếu là Coxsackievirus A16 (CVA16) và Enterovirus 71 (EV71). Tuy nhiên, mức độ sốt và thời gian sốt có thể khác nhau tùy vào từng trẻ. Một số bé chỉ sốt nhẹ thoáng qua, trong khi những trường hợp khác có thể sốt cao, kèm theo tình trạng mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn.

Đáng lưu ý, trong những ngày đầu trẻ có thể bị sốt cao liên tục hoặc sốt theo từng cơn. Khi hạ sốt, trẻ có thể cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nếu sốt tái phát hoặc kéo dài hơn 2 ngày, đặc biệt khi có các biểu hiện bất thường như nôn nhiều, ngủ li bì, khóc dai dẳng, giật mình chới với, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất thăm khám để loại trừ nguy cơ biến chứng thần kinh, viêm màng não do EV71 gây ra.

2. Sốt ở giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát của bệnh tay chân miệng thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày từ khi trẻ xuất hiện triệu chứng sốt ban đầu. Đây là thời điểm các dấu hiệu điển hình của bệnh bộc lộ rõ như loét miệng gây đau rát, phát ban dạng bọng nước trên lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông… Trong thời gian này, trẻ có thể tiếp tục sốt hoặc sốt trở lại, thậm chí sốt cao kéo dài nếu bệnh diễn tiến phức tạp.

Chuyên gia của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết nguyên nhân khiến bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại trong giai đoạn toàn phát có thể do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi virus vẫn tiếp tục nhân lên, gây tổn thương niêm mạc miệng và da. Khi các bọng nước hình thành và vỡ ra, cơ thể phản ứng bằng cách tăng nhiệt độ để hạn chế sự phát triển của virus. Đặc biệt, nếu trẻ bị loét miệng nặng, không ăn uống được, cơ thể suy nhược, sốt có thể kéo dài hơn do mất nước và suy giảm sức đề kháng.

Ngoài ra, một số trường hợp sốt tái phát có thể liên quan đến bội nhiễm vi khuẩn khi các vết loét miệng hoặc bọng nước trên da không được vệ sinh đúng cách. Nếu trẻ sốt cao liên tục trên 39°C kèm theo các biểu hiện như nôn nhiều, giật mình, ngủ li bì, quấy khóc không dứt, bố mẹ hoặc người giám hộ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để khám ngay. Bởi đây có thể là dấu hiệu của biến chứng thần kinh hoặc viêm não do Enterovirus 71 (EV71), một trong những chủng virus gây tay chân miệng nguy hiểm nhất.

Tại Việt Nam, biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng khá phổ biến, trong đó viêm màng não vô khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 36,8%. Các biến chứng khác như viêm não, liệt mềm cấp hay tổn thương dây thần kinh sọ ít gặp hơn, với tỷ lệ dưới 10%. Trong số những bệnh nhi có hội chứng giống bại liệt, 56% bị yếu và teo chân tay, trong khi 20% bệnh nhân viêm cơ não cũng gặp tình trạng tương tự.

Ngoài ra, biến chứng suy tim phổi do tổn thương hệ thần kinh trung ương cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong số 28 bệnh nhân bị suy tim phổi, 64% có dấu hiệu yếu và teo cơ, 61% phải ăn qua ống nuôi dưỡng và 57% cần sự hỗ trợ của máy thở.

Khi đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động bằng thang đo Denver II, có 5% bệnh nhi bị tổn thương thần kinh trung ương nặng gặp tình trạng chậm phát triển. Đặc biệt, con số này tăng lên 75% ở nhóm trẻ bị suy tim phổi, cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến chứng lên sự phát triển toàn diện của trẻ.

3. Sốt do biến chứng

Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại khiến bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại có thể xác định là do bệnh đã tiến triển thành biến chứng. Thông thường, trẻ mắc tay chân miệng chỉ sốt trong vài ngày đầu và dần hạ nhiệt khi bệnh bước sang giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, nếu bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại, đặc biệt kèm theo các biểu hiện bất thường như giật mình liên tục, quấy khóc nhiều, ngủ li bì, nôn ói hoặc run tay chân…, có thể bệnh đã biến chứng sang hệ thần kinh, tim mạch hoặc hô hấp.

Tay chân miệng do Enterovirus 71 (EV71) gây ra có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Khi virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, trẻ có thể bị viêm màng não, gây sốt cao kéo dài, đau đầu, cứng cổ, rối loạn ý thức. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh có thể tiến triển thành viêm não, khiến trẻ co giật, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngoài biến chứng thần kinh, tay chân miệng cũng có thể gây ảnh hưởng đến tim và phổi. Một số trẻ mắc bệnh có thể gặp tình trạng viêm cơ tim, làm rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, gây sốt cao đột ngột kèm theo da tái nhợt, vã mồ hôi. Biến chứng phù phổi cấp cũng là một nguyên nhân khiến trẻ sốt cao trở lại, khó thở, tím tái, nguy cơ tử vong cao nếu không xử lý kịp thời.

4. Sốt do nhiễm trùng thứ phát

Nhiễm trùng thứ phát cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại. Khi mắc bệnh, các tổn thương trên da và niêm mạc, đặc biệt là các vết loét trong miệng hay bọng nước ở tay, chân, mông có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Nếu không được vệ sinh đúng cách, các vết thương này có nguy cơ bị bội nhiễm, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Khi đó, cơ thể phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt để chống lại tác nhân gây bệnh, khiến bé sốt trở lại dù trước đó đã có dấu hiệu thuyên giảm.

Ngoài nhiễm khuẩn tại chỗ, một số trường hợp trẻ có thể gặp phải tình trạng viêm mô tế bào hoặc nhiễm trùng máu – những biến chứng nặng do vi khuẩn xâm nhập sâu vào cơ thể. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm sốt cao kéo dài, vùng da xung quanh tổn thương sưng đỏ, chảy mủ hoặc bé có biểu hiện lừ đừ, quấy khóc nhiều hơn.

Nếu không được kiểm soát kịp thời, nhiễm trùng thứ phát có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ. Việc chăm sóc đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân và theo dõi sát sao diễn biến của bệnh là rất quan trọng để hạn chế tình trạng sốt tái diễn do nhiễm trùng ở trẻ mắc tay chân miệng.

5. Sốt do hệ miễn dịch yếu

Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại virus tay chân miệng và hồi phục sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, ở một số trẻ có sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức loại bỏ hoàn toàn virus, trẻ có thể bị sốt trở lại sau một giai đoạn tưởng chừng đã thuyên giảm hoặc kéo dài thời gian mắc bệnh. Điều này thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ sinh non hoặc những trẻ có tiền sử mắc các bệnh lý nền mạn tính ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Ngoài ra, sau khi mắc bệnh, hệ miễn dịch của trẻ tạm thời bị suy yếu, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn khác. Khi đó, cơ thể phải kích hoạt phản ứng miễn dịch mới, dẫn đến tình trạng sốt tái diễn.

Một số trẻ còn gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch hậu nhiễm trùng, khiến quá trình hồi phục kéo dài hơn bình thường. Để hạn chế nguy cơ sốt đi sốt lại, chuyên gia khuyến cáo bố mẹ cần chú ý tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ và giữ vệ sinh cá nhân tốt để đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe.

Dấu hiệu nhận biết bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại có nguy cơ biến chứng

1. Sốt kéo dài trên 3 ngày

Thông thường, sốt do tay chân miệng sẽ thuyên giảm sau 2 – 3 ngày khi cơ thể trẻ bắt đầu kiểm soát virus. Tuy nhiên, nếu cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày, đặc biệt khi nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao (trên 38,5°C) hoặc tái sốt sau khi đã giảm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng. Nguyên nhân có thể do virus tiếp tục tấn công hệ thần kinh trung ương, tim mạch hoặc hô hấp dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim hoặc phù phổi cấp.

Ngoài thời gian sốt kéo dài, bố mẹ hoặc người giám hộ trẻ cũng cần theo dõi các dấu hiệu bất thường đi kèm như li bì, quấy khóc dai dẳng, giật mình nhiều, run tay chân, da nổi bông tím tái hoặc thở nhanh. Nếu trẻ sốt cao liên tục và không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng.

2. Sốt cao ko hạ sau khi uống thuốc hạ sốt

Khi trẻ bị tay chân miệng sốt cao nhưng không giảm dù đã được dùng thuốc hạ sốt đúng liều, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang diễn tiến nghiêm trọng. Trong giai đoạn đầu, sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại virus. Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục sốt cao, đồng thời không đáp ứng với paracetamol hoặc ibuprofen, và sốt quay trở lại sau khi thuốc hết tác dụng thì rất có thể virus đã tấn công mạnh hơn vào hệ thần kinh hoặc gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim.

Ngoài sốt dai dẳng, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng kèm theo như trẻ lừ đừ, ngủ gà, giật mình nhiều, thở gấp, tay chân lạnh hoặc nổi vân tím. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và can thiệp kịp thời. Không nên tự ý tăng liều thuốc hạ sốt hay trì hoãn việc thăm khám, vì biến chứng của tay chân miệng có thể tiến triển nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử trí sớm.

3. Nôn ói, tiêu chảy

Ở giai đoạn đầu của tay chân miệng, trẻ có thể gặp tình trạng nôn ói hoặc tiêu chảy nhẹ do phản ứng của cơ thể với virus. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này kéo dài, nôn nhiều lần trong ngày, tiêu chảy liên tục khiến trẻ mất nước nhanh, đây có thể là dấu hiệu bệnh đang diễn tiến nặng hoặc có nguy cơ biến chứng.

Nôn ói kéo dài có thể liên quan đến tổn thương thần kinh trung ương do virus tác động lên não, đặc biệt là khi trẻ nôn không liên quan đến ăn uống. Trong khi đó, tiêu chảy nghiêm trọng làm mất nước, rối loạn điện giải, gây suy kiệt và tăng nguy cơ sốc.

Khi trẻ có biểu hiện môi khô, da nhăn, tiểu ít hoặc không tiểu, lừ đừ, quấy khóc nhiều, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để được bù nước kịp thời và kiểm tra nguy cơ biến chứng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy hay chống nôn khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, vì có thể che lấp dấu hiệu bệnh nặng, làm kéo dài quá trình điều trị bệnh.

Cách xử trí khi trẻ bị tay chân miệng sốt đi sốt lại tại nhà

1. Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ

Khi bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại, việc theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên là điều vô cùng quan trọng để đánh giá diễn tiến bệnh và kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Phụ huynh nên sử dụng nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ cho trẻ ít nhất mỗi 4 giờ, hoặc sớm hơn nếu trẻ có biểu hiện bứt rứt, mệt mỏi, da nóng hơn bình thường. Nhiệt độ đo được sẽ giúp xác định trẻ đang sốt nhẹ (37,5 – 38,5°C), sốt vừa (38,5 – 39°C) hay sốt cao (trên 39°C), từ đó có hướng xử trí phù hợp. (1)

Trong quá trình theo dõi, nếu nhận thấy trẻ sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc có biểu hiện bất thường như co giật, lơ mơ, tím tái, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Ngoài ra, bố mẹ nên kết hợp theo dõi các triệu chứng đi kèm như nôn ói, quấy khóc dai dẳng, thở nhanh để đánh giá tình trạng của trẻ toàn diện hơn.

2. Bù nước và điện giải

Bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại, đặc biệt là khi sốt cao kéo dài, cơ thể dễ bị mất nước và rối loạn điện giải, dẫn đến mệt mỏi, quấy khóc, môi khô, da nhợt nhạt và thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu không được bù đắp kịp thời. Vì vậy, bố mẹ hoặc người chăm sóc cần chủ động bù nước và điện giải để giúp trẻ duy trì thể trạng ổn định, hạn chế biến chứng do mất nước.

Đối với trẻ còn bú mẹ, nên tăng cữ bú và đảm bảo trẻ bú đủ lượng sữa cần thiết. Với trẻ lớn hơn, có thể cho uống nước ấm, sữa, nước trái cây pha loãng hoặc dung dịch bù điện giải như Oresol. Khi sử dụng Oresol, cần pha đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh pha loãng hoặc đặc hơn vì có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của trẻ. Ngoài ra, có thể bổ sung nước bằng các món ăn lỏng như cháo loãng, súp, canh để tăng cường dinh dưỡng và giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn.

3. Chăm sóc vết loét tay chân miệng

Vết loét do tay chân miệng có thể xuất hiện trong miệng, trên lòng bàn tay, bàn chân và cả vùng mông, gây đau rát, khó chịu cho trẻ. Nếu không chăm sóc đúng cách, các vết loét này có thể bị nhiễm trùng, kéo dài thời gian hồi phục và làm tăng nguy cơ biến chứng.

Đối với vết loét trong miệng, bố mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn miệng theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm viêm, ngăn vi khuẩn phát triển. Nếu trẻ còn quá nhỏ và chưa biết súc miệng, có thể dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý để lau nhẹ nhàng bên trong khoang miệng. Khi cho trẻ ăn, cần tránh thức ăn cay, nóng, cứng vì có thể khiến vết loét thêm đau và khó lành.

Với các vết loét ngoài da, bố mẹ nên giữ vùng da tổn thương sạch sẽ, khô thoáng. Không chọc vỡ các mụn nước để tránh lây lan virus và nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu mụn nước vỡ tự nhiên, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý, sau đó thấm khô và bôi dung dịch sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.

Quần áo của trẻ nên chọn loại mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt như cotton để tránh ma sát lên vùng da bị tổn thương. Việc chăm sóc vết loét đúng cách giúp giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành da nhanh hơn, giúp trẻ mau chóng hồi phục.

4. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống

Khi bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại, việc duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, giúp trẻ mau hồi phục hơn. Đây cũng là cách giảm thiểu sự lây lan của virus gây bệnh trong gia đình và cộng đồng.

Bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là sau khi trẻ đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc sau khi chạm vào các mụn nước, vết loét trên cơ thể. Người chăm sóc trẻ cũng phải tuân thủ nguyên tắc rửa tay sạch trước và sau khi tiếp xúc với trẻ để tránh lây nhiễm chéo. Ngoài ra, cần cắt móng tay cho trẻ, hạn chế trẻ gãi vào các nốt mụn để tránh vỡ mụn gây nhiễm trùng da.

Vệ sinh môi trường sống cũng là yếu tố quan trọng không kém. Cần thường xuyên lau chùi, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc như bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp. Các vật dụng cá nhân như ly uống nước, muỗng, chén bát của trẻ cần được rửa sạch và không dùng chung với người khác. Ngoài ra, phòng ngủ của trẻ nên được thông thoáng, tránh bí bách để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, virus.

5. Theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng nguy hiểm

Bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại, bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường có thể cảnh báo biến chứng nguy hiểm. Một số triệu chứng đáng lo ngại bao gồm:

  • Sốt cao liên tục trên 39°C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt: Đây có thể là dấu hiệu hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng, cần đưa trẻ đi khám ngay.
  • Giật mình, quấy khóc dai dẳng, khó ngủ: Nếu trẻ giật mình nhiều lần trong ngày, đặc biệt vào ban đêm, hoặc quấy khóc không dỗ được, có thể hệ thần kinh đang bị tổn thương.
  • Run tay chân, đi loạng choạng, yếu cơ: Những dấu hiệu này cảnh báo bệnh đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh vận động, cần can thiệp y tế sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng.
  • Khó thở, tím tái, vã mồ hôi: Đây là biểu hiện của suy hô hấp, có thể liên quan đến viêm não hoặc viêm cơ tim – hai biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng.
  • Nôn ói nhiều, tiêu chảy kéo dài: Nếu trẻ nôn ói liên tục, không ăn uống được hoặc tiêu chảy nghiêm trọng, có nguy cơ mất nước nặng, cần đưa đến cơ sở y tế để bù nước và điều trị kịp thời.

Phát hiện sớm các triệu chứng này và đưa trẻ đi khám ngay có thể giúp hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm, đảm bảo trẻ được điều trị đúng cách và an toàn.

Qua bài viết trên, thắc mắc bé bị tay chân miệng sốt đi sốt lại đã được giải đáp, giúp bố mẹ hiểu rõ nguyên nhân và biết cách xử lý phù hợp. Việc theo dõi sát sao diễn biến bệnh, chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đi khám kịp thời khi có dấu hiệu bất thường là rất quan trọng để hạn chế biến chứng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bố mẹ an tâm hơn trong quá trình chăm sóc bé và bảo vệ sức khỏe con yêu một cách tốt nhất.

Nguồn: VNVC

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *