Sau 4 ngày sốt cao và ho liên tục, bé gái được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp diễn tiến nhanh.
Ngày 27/5, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết vừa điều trị cho trường hợp bé gái N.N.H.A., 3 tuổi, ngụ TP.HCM, bị viêm phổi và suy hô hấp.
Qua khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi sốt, ho, tiêu chảy suốt 4 ngày không đỡ, gia đình đã đưa trẻ đến một bệnh viện gần nhà thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh nên được đặt nội khí quản thở máy. Trẻ được làm xét nghiệm PCR dương tính với tác nhân gây cúm A/H1N1.
Trẻ bị viêm phổi nặng do cúm A/H1N1 được điều trị tích cực, thở máy, ECMO, kháng sinh, kháng virus. Ảnh: BVCC. |
Khi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cơ thể trẻ đã tím tái, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) chỉ còn 80-82%. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy 2 bên phổi bị tổn thương, xẹp đỉnh phổi. Bác sĩ điều trị chẩn đoán trẻ bị viêm phổi nặng do cúm A/H1N1.
Trẻ nhanh chóng được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, tư thế nằm sấp, kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu (oseltamivir), an thần dãn cơ, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan. Ê-kíp đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho trẻ.
Tuy nhiên, diễn tiến của trẻ vẫn phức tạp, có biểu hiện nhiễm trùng nặng, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao nên được đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan.
Sau 3 tuần được điều trị tích cực, tình trạng của trẻ dần cải thiện, cai được ECMO và cai máy thở, tỉnh táo tiếp xúc tốt.
Cúm A/H1N1 là bệnh rất lây lan, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Cúm lây từ người này sang người khác khi ho, hắt hơi hoặc chạm vào các bề mặt.
Các triệu chứng của cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng… thường cải thiện sau 2-5 ngày. Biến chứng thường gặp nhất của cúm là viêm phổi. Trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi có nguy cơ xảy ra biến chứng nhiều hơn.
Nguồn: Nguyễn Thuận (Znews)
0 Bình luận