Từ những ngày đầu tháng 8, số trẻ có biểu hiện sốt phát ban nghi sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tăng dồn dập, có những ngày giường bệnh trong phòng cách ly chật kín.
Là một trong những “điểm nóng” tiếp nhận và điều trị trẻ mắc bệnh sởi tại TP.HCM, khoảng một tháng nay, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng kín giường. Ghi nhận sáng 13/8, 3 phòng cách ly dành cho bệnh nhi mắc sởi nhẹ gần như không còn chỗ trống. Tiếng trẻ con quấy khóc vang cả một hành lang dài.
Buổi sáng, bé Bảo Thy đột ngột khó thở, cả người tím tái, buộc phải thở oxy. 5 ngày trước, bé sốt cao, mặt nổi ban lốm đốm khi đang nằm viện để điều trị bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát. Bé Thy được chuyển đến phòng cách ly bệnh sởi ngay lập tức. Đứa trẻ 2 tuổi sốt cao, ngủ mê man, mất đi vẻ hiếu động trước đây. “Sau khi chuyển về quê, điều kiện kinh tế khó khăn, tôi đã quên mất việc tiêm vaccine cho bé. Đến khi phát hiện bệnh thì đã trở nặng thế này”, chị Trần Kim Như (25 tuổi, Cà Mau), mẹ bé Thy, tâm sự.
Sau 6 ngày cách ly do mắc bệnh sởi, hôm nay, bé Ka Mai được chuyển về lầu 8, nơi đặt khoa Hô hấp để tiếp tục chiến đấu với bệnh viêm phổi. Chỉ mới 4 tháng tuổi, thời gian nằm viện của Mai nhiều gấp bội so với số ngày em được ở nhà. “Vừa xuất viện về nhà sau khi điều trị viêm màng não thì con phải nhập viện tiếp tục do sởi. Thương con còn nhỏ mà phải chịu đựng nhiều thứ như vậy”, chị Ka Huyn (25 tuổi, Lâm Đồng) ôm chặt con gái với phần đầu lõm sâu, nghẹn ngào.
Một bé trai được truyền kháng sinh tại phòng cách ly. Như hàng chục đứa trẻ khác, cơ thể em mềm oặt, đuối sức sau nhiều ngày chiến đấu với căn bệnh này.
Nằm lặng lẽ nơi cuối hành lang, phía sau lớp cửa kính, phòng cách ly 05.11 như một “thế giới” khác. Ở đây, những tiếng khóc dường như yếu ớt hơn, nhường chỗ cho tiếng máy móc vang lên đều đều. Hầu hết tình trạng của các bệnh nhi được cách ly tại đây đều có biến chứng nặng, sốt cao và khó thở, phải hỗ trợ thở oxy.
Bé Mỹ Duyên đi vào giấc ngủ trong vòng tay mẹ. Khóe miệng và cổ em vẫn còn đọng lại những vệt sữa vừa nôn ra. Những lần truyền dịch liên tục, cơn đau từ các vết loét bên trong miệng dường như quá sức với đứa trẻ 10 tháng tuổi. Ba hôm trước, bé Duyên sốt cao, nằm bệnh viện tuyến tỉnh không thuyên giảm. Chị Trần Mỹ Xuyên (40 tuổi) sốt ruột, gác lại công việc, quyết cho con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để chữa trị. “Bình thường con rất hay cười nhưng giờ đau quá chỉ biết khóc thôi. Mong sao con sớm khỏe”, chị Xuyên nói.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố là 597, trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại TP. HCM và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác).
Bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số ca nhập viện do mắc bệnh sởi tại khoa đang tăng mạnh. Ngày 13/8, đơn vị này đang điều trị nội trú cho 39 ca mắc bệnh sởi. Ngày cao điểm, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa lên đến 50 ca, gần như gấp đôi so với trước đây. Trong đó, một số bệnh nhi gặp biến chứng, thường gặp nhất là viêm phổi.
Các nốt phát ban đỏ trên trán, mặt, cổ… của một trẻ nhỏ mắc bệnh sởi.
Theo bác Quy cho biết khoa Nhiễm – Thần kinh đang chủ động theo dõi sát diễn biến bệnh sởi để có các phương án tăng số lượng phòng cách ly phù hợp, sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp số điều trị nội trú tăng mạnh, có thể lên đến hàng trăm bệnh nhi.
Sau thiên tai, trẻ dễ gặp khó khăn về tâm lý như sốc, sợ hãi, rối loạn giấc ngủ, nếu không được hỗ trợ và điều trị có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, Đọc tiếp…
Tuần vừa qua, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 5 trường hợp đuối nước nghiêm trọng, trong đó chỉ có 1 trẻ được sơ cấp Đọc tiếp…
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ghi nhận 5 ổ dịch sởi tại 5 trường tiểu học ở quận 7, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức, cảnh báo nguy cơ bùng dịch Đọc tiếp…
0 Bình luận