Thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM ghi nhận không ít trẻ em đến khám với nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng, kèm ngứa ngáy lan rộng.

Cẳng chân chi chít vết chốc lan ra của bệnh nhi bị chốc. Ảnh: BVCC.

Theo thống kê mới đây của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 8 trẻ bị bệnh chốc đến khám. Trong đó, không ít trẻ có vết chốc lan ra nhiều nơi do bố mẹ tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian như “khoán nhang”, tắm lá chè xanh, lá khế, uống thuốc mát gan, tiêu độc…

Bé gái 5 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám với vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng, kèm ngứa ngáy, khó chịu.

Theo lời người mẹ, cách thời gian vào viện khoảng một tuần, tay phải bé nổi mụn nước, gây ngứa, khó chịu rồi vỡ lan ra các vùng khác. Bé được gia đình cho uống và thoa thuốc nhưng không đỡ, mụn nước vẫn lan ra các vùng khác như chân, mũi…

Nghe người quen nói bé bị giời leo, có thể chữa bằng khoán nhang và bôi mủ trái sung, gia đình cũng làm theo nhưng thấy không hiệu quả mới đưa con đến bệnh viện khám.

benh choc anh 1
Bệnh chốc thường gặp ở trẻ nhỏ đang đi học mầm non. Ảnh: BVCC.

Trường hợp khác, bệnh nhi 5 tuổi, ở TP.HCM, cũng được bố mẹ đưa đến bệnh viện kiểm tra sau khi xuất hiện các vết trợt da rỉ dịch vàng, ngứa ngáy vùng miệng, tay.

Qua khai thác bệnh sử, mẹ bé cho hay cách thời gian vào viện khoảng 5 ngày, tay chân bé nổi các mụn nước nhỏ rải rác. Trẻ được tắm nước lá chè xanh nhưng tình trạng không cải thiện, các nốt mụn nước vỡ, tiếp tục lan ra nhiều vị trí miệng, bụng, lưng…

Theo ThS.BS Đặng Thị Hồng Phượng, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, chốc là bệnh nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ, dễ nhẫm lẫn với nhiều bệnh ngoài da khác.

Bệnh gây ra các mụn nước hay bóng nước trên da, đục dần, có mủ rồi vỡ, tạo thành vết trợt, đóng vảy màu vàng mật ong đặc trưng. Các vết chốc sau khi đóng vảy có thể nhanh chóng lan rộng ra vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tay chân. Bệnh thường khỏi trong 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách.

Việc cha mẹ tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian như tắm nước lá, bôi thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng cũng có thể làm bệnh nặng hơn, dễ gây ra biến chứng.

Bệnh chốc nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ khỏi nhanh và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu để lâu hoặc điều trị sai cách, tình trạng nhiễm trùng có thể nặng nề và lan rộng hơn. Lúc này, bệnh có thể gây một số biến chứng như hội chứng bong vảy da do tụ cầu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng…

Nguồn: Linh Thùy (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *