Trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết thường có các triệu chứng như sốt cao, chán ăn, khô miệng, tay chân lạnh, buồn ngủ thất thường.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng cao hơn người lớn khỏe mạnh vì hệ thống miễn dịch của chúng yếu hơn. Ảnh minh họa: Babychakra.

Sốt xuất huyết, bệnh nhiễm virus lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, kể cả trẻ sơ sinh.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng cao hơn người lớn khỏe mạnh vì hệ thống miễn dịch của chúng yếu hơn.

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Theo Healthshots, giống người lớn, trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết khi bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt. Loài muỗi này sinh sản ở vùng nước tù đọng xung quanh nhà và không gian công cộng.

Điều kiện sống đông đúc và tiếp xúc với môi trường mà các biện pháp kiểm soát muỗi không được thực hiện đầy đủ cũng có thể làm tăng nguy cơ. Cha mẹ có thể vô tình để trẻ tiếp xúc với muỗi nếu chúng không được bảo vệ bằng thuốc chống côn trùng hoặc màn chống muỗi.

Triệu chứng nhận biết

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vi sinh y tế và Miễn dịch học FEMS, các biểu hiện buồn nôn, nôn, phát ban và xuất huyết cao hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể khó khăn vì chúng thường giống với các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh do virus khác, chẳng hạn cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Ngoài ra, không giống người lớn, trẻ sơ sinh không biểu hiện rõ ràng các triệu chứng sốt xuất huyết thông thường như đau đầu hoặc đau khớp. Vì vậy, cha mẹ cần để ý xem trẻ có biểu hiện hôn mê, quấy khóc bất thường hay không.

Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng sốt xuất huyết khác bao gồm:

  • Sốt cao
  • Khó chịu
  • Chán ăn
  • Khô miệng
  • Đi tiểu ít hơn và khi đi tiểu có màu vàng đậm, có mùi hôi nồng nặc
  • Tay chân lạnh hoặc buồn ngủ bất thường, thường gặp hơn ở những trường hợp nặng.

Phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh liên quan đến việc giảm tiếp xúc với muỗi, bao gồm:

  • Đặt một chiếc màn vừa vặn lên cũi, xe đẩy hoặc khu vực trẻ chơi đùa để tạo ra hàng rào bảo vệ
  • Cho bé mặc áo dài tay, quần dài và đi tất kín chân để giảm thiểu muỗi tiếp xúc với da
  • Loại bỏ nước tù đọng nơi muỗi sinh sản là rất quan trọng. Nước có thể dễ dàng đọng lại trong các thùng chứa như chậu hoa và xô, vì vậy hãy thường xuyên đổ hết nước và đậy nắp lại
  • Đóng cửa sổ và cửa ra vào hoặc sử dụng màn để muỗi không thể vào nhà bạn
  • Tránh đưa trẻ ra ngoài khi hoạt động của muỗi đang ở đỉnh điểm. Thông thường, muỗi Aedes đốt người hai giờ sau khi mặt trời mọc và ngay trước khi mặt trời lặn
  • Sử dụng thuốc chống muỗi dành riêng cho trẻ sơ sinh được bác sĩ khuyên dùng. Ví dụ, theo UNICEF, không nên sử dụng các sản phẩm có dầu khuynh diệp chanh hoặc para-menthane-diol cho trẻ em dưới 3 tuổi
  • Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, đồng thời dọn sạch cống hoặc máng xối bị tắc để ngăn nước đọng lại
  • Các biện pháp kiểm soát muỗi tại địa phương như phun sương cũng có thể hữu ích.

Nguồn: Mai Phương (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *