Khi sắp mọc răng, trẻ thường có biểu hiện sốt nhưng nhiều cha mẹ lại tưởng con ốm sốt. Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp phụ huynh phân biệt được trẻ sốt mọc răng hay sốt do bệnh.
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, trẻ thường có các dấu hiệu điển hình, trong đó có sốt. Ảnh: Vocal. |
Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp phụ huynh phân biệt được trẻ sốt mọc răng hay sốt do bệnh.
Thời điểm trẻ mọc răng
Trình tự mọc răng ở trẻ không phải lúc nào cũng chính xác, tùy từng bé sẽ có thời gian mọc răng khác nhau. Tuy nhiên thông thường thời điểm mọc răng sữa ở trẻ như sau:
- Trẻ 6-9 tháng: chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ xuất hiện vào khoảng tháng thứ 6 ở vị trí răng cửa hàm dưới. Thông thường, chiếc răng đầu tiên sẽ gây đau đớn cho bé nhiều nhất. Trẻ có thể cáu gắt, khó chịu, bỏ bú và sốt nhẹ. Sau khi hai răng cửa hàm dưới xuất hiện, hai răng cửa hàm trên sẽ tiếp tục mọc khi bé bước sang tháng thứ 8.
- Trẻ 12-14 tháng: sau khi răng cửa mọc đầy đủ, răng hàm sẽ bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là 2 chiếc răng hàm bên trong ở hàm trên, đây là 2 chiếc răng hàm nằm ở vị trí giữa hàm, cách một đoạn so với răng cửa. Tiếp theo là sự xuất hiện của hai chiếc răng hàm dưới đối diện với hai chiếc răng hàm trên. Lúc này, mẹ cần chú trọng việc chăm sóc răng miệng của trẻ để bổ sung fluor và phòng ngừa các bệnh răng miệng.
- Trẻ 16-18 tháng: chiếc răng nanh sữa hàm trên nhú mọc khi trẻ được 16-18 tháng, lấp đầy chỗ trống giữa vị trí răng cửa và răng hàm. Hai răng nanh hàm dưới xuất hiện sau khi hai chiếc răng nanh sữa hàm trên mọc đầy đủ. Trong một vài trường hợp, trẻ phải đến 22 tháng mới nhú mọc đầy đủ bốn chiếc răng nanh sữa này.
- Trẻ 20-30 tháng: Hai chiếc răng hàm cuối cùng sẽ lấp đầy hàm dưới vào tháng thứ 20. Khi hai răng hàm cuối cùng của hàm dưới mọc thì liên tiếp đó sẽ là sự xuất hiện của hai răng hàm cuối cùng của hàm trên.
Khi bé bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng căng có thể khiến nhiệt độ cơ thể của bé cao. |
Dấu hiệu trẻ mọc răng
Một số dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết được thời điểm trẻ bắt đầu mọc răng và sốt do mọc răng.
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, trẻ thường có các dấu hiệu điển hình như:
- Trẻ bị chảy nước dãi nhiều
- Trẻ cáu kỉnh, hay quấy khóc
- Trẻ hay cắn, thích nhai
- Cha mẹ quan sát thấy nướu trẻ bị sưng và đỏ
- Một số trẻ bị đại tiện phân lỏng (tướt mọc răng) và hơi ấm ấm sốt mọc răng
Bên cạnh dấu hiệu cáu kỉnh, khó ăn, khó ngủ, trẻ sốt mọc răng có một số dấu hiệu như: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Trẻ quấy khóc, bú ít, ăn ít cũng có trẻ kèm theo các biểu hiện khác như: Hắt hơi hoặc ho, nôn trớ,…
Trẻ bị sốt mọc răng cha mẹ cần làm gì?
Ghi nhận thực tế, khi bé bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng căng có thể khiến nhiệt độ cơ thể của bé cao hơn bình thường một chút, nhưng sốt mọc răng thường không cao hoặc không tiêu chảy.
Nếu sốt cao hơn 38°C và tiêu chảy, bé có thể đang bị một bệnh nào khác mà không phải sốt mọc răng. Vì vậy, khi thấy trẻ sốt cha mẹ cần đo nhiệt độ, nếu nhiệt độ cơ thể trẻ ở khoảng gần 38 độ C là bé sốt vừa, trên 38 độ C là bé sốt cao.
Với trường hợp sốt cao nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có những hướng điều trị tốt nhất.
Những trường hợp sốt thường, cha mẹ có thể tự chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách:
- Cần vệ sinh răng miệng đúng cách: Cho con uống nước lọc sau khi ăn, lau bằng khăn mềm, chải răng, làm thường xuyên và nhiều lần trong ngày.
- Khi trẻ sốt mẹ có thể lau người cho con bằng nước ấm. Nước ấm sẽ giúp cơ thể thoát nhiệt, giảm sốt nhanh hơn. Mặc những quần áo thoải mái và thoáng để nhiệt có thể thoát ra.
- Tăng cường cho trẻ bú mẹ. Nếu bé không muốn bú có thể vắt sữa và cho bé uống bằng thìa.
- Với trẻ ăn dặm cha mẹ không nên ép trẻ ăn. Thực phẩm cần được đa dạng và chế biến loãng hơn để trẻ dễ nuốt.
- Nếu cho trẻ uống thuốc hạ sốt cần theo tư vấn của bác sĩ. Trẻ sốt do mọc răng thường chỉ kéo dài trong vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng. Cần đưa bé đến ngay bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Không để trẻ tiếp xúc với những đồ chơi vuông thành sắc cạnh, vì có thể con sẽ “cắn” làm tổn thương đến lợi.
- Mẹ có thể cho bé ăn chuối giúp lợi của bé được xoa dịu, giảm sưng giúp con cảm thấy dễ chịu, không quấy phá và hạ sốt.
Nguồn: BS Nguyễn Văn Huy / Sức Khỏe & Đời Sống (Znews)
0 Bình luận