Trong tháng 11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh sởi biến chứng nặng, phải thở máy.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh: Khương Nguyễn.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi Đ.T.B.T. (7 tuổi, trú tại Hương Khê, Hà Tĩnh). Trẻ nhập viện trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, sốt cao liên tục, nổi ban dạng sởi, mắt ghèn nhiều.

Gia đình bệnh nhi cho biết em mắc bệnh Down, có bệnh tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật. Trẻ chưa được tiêm phòng sởi. Trước đó 4 ngày, bệnh nhi T. có biểu hiện sốt cao về đêm, nổi ban từ mặt sau đó lan khắp người.

Gia đình có mua thuốc hạ sốt và điều trị tại nhà không đỡ nên đã chuyển bé tới bệnh viện địa phương. Lúc này, trẻ diễn biến nặng, phải đặt ống nội khí quản, duy trì vận mạch adrenalin, dùng kháng sinh và chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại đây, các bác sĩ khoa Hồi sức, Tích cực và Chống độc, đã nhanh chóng xử trí cấp cứu, chống sốc, an thần, điều trị thở máy để đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn cho trẻ. Qua thăm khám và xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp do biến chứng sởi.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi L.H.Đ. (8 tháng tuổi, trú tại Đức Thọ, Hà Tĩnh). Em nhập viện trong tình trạng sốt kèm theo ho, khó thở, viêm phổi nặng. Trẻ cũng có tiền sử bệnh tim bẩm sinh, đã phẫu thuật và chưa được tiêm vaccine phòng sởi.

Em Đ. được chẩn đoán bị suy hô hấp cấp, phải thở máy và theo dõi sát. Hiện tại, trẻ đã cai được máy thở, ổn định và sớm được xuất viện.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức, Tích cực và Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa tiêm/tiêm chưa đủ 2 mũi mà tiếp xúc với nguồn lây.

Hầu hết số ca không qua khỏi là do các biến chứng của bệnh sởi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm não, giảm thị lực, viêm tai giữa… Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

Phát ban là triệu chứng nổi bật, dễ nhận thấy nhất. Các triệu chứng ban đầu thường kéo dài 4-7 ngày gồm: Sổ mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, các đốm trắng nhỏ bên trong má.

Phát ban bắt đầu khoảng 7-18 ngày sau khi tiếp xúc, thường ở mặt và cổ trên, sau đó lan rộng trong khoảng 3 ngày, cuối cùng đến tay và chân.

Bác sĩ Mạnh khuyến cáo khi phát hiện trẻ sốt có phát ban, cần đưa ngay con em đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng cũng như hạn chế nguy cơ mắc biến chứng. Để phòng, chống bệnh sởi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch.

Nguồn: Kỳ Duyên (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *