Nhiều bệnh nhân cúm A có bệnh lý nền mạn tính tại Quảng Ninh tiến triển nặng. Trẻ mắc cúm cũng có xu hướng sốt kéo dài.

Trẻ mắc cúm mùa thường có triệu chứng sốt kéo dài hơn. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), riêng trong quý I năm nay, số bệnh nhân phải điều trị nội trú tại cơ sở này vì cúm mùa lên tới 311 ca.

Hiện tại, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân mắc cúm mùa, chiếm 50% số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết các phòng điều trị bệnh nhân cúm đang trong tình trạng quá tải.

“Dịch cúm diễn biến tương đối phức tạp, chúng tôi đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A có bệnh lý nền mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, xơ gan… biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy, thở oxy hỗ trợ”, bác sĩ Tuấn thông tin.

Phòng khám Nhi cũng ghi nhận số trẻ đến khám đông với các triệu chứng viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt… Trong đó, nhiều bệnh nhi mắc cúm được chẩn đoán và nhập viện điều trị có xu hướng tăng.

Bác sĩ Hà Thị Duyên, khoa Nhi, cho hay trẻ mắc cúm mùa có xu hướng triệu chứng sốt dày với thời gian kéo dài. Một số trẻ mắc cúm dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, viêm phế quản cần phải nhập viện điều trị.

dich cum mua anh 1
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh mắc cúm. Ảnh: BVCC.

“Ngoài virus cúm mùa, chúng tôi cũng tiếp nhận điều trị một số bệnh nhi dưới 2 tuổi mắc virus hợp bào hô hấp RSV. Trong đó, trường hợp trẻ biến chứng nặng viêm phế quản phổi, suy hô hấp phải điều trị hồi sức tích cực”, bác sĩ Duyên nói.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus cúm Influenza gây ra, chia thành 3 type A, B và C. Cúm mùa thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch hàng năm.

Bệnh tiến triển lành tính, nhưng những biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai và người bị suy giảm miễn dịch.

Một số triệu chứng điển hình thường gặp của bệnh như sốt trên 38 độ C, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng… Trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém, người bệnh mạn tính như COPD, suy tim, suy thận, đái tháo đường, phụ nữ mang thai rất dễ mắc cúm mùa và có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.

Trước tình trạng bệnh cúm có xu hướng tăng cao bất thường thời điểm giao mùa, người dân cần chủ động phòng chống cúm mùa, tránh biến chứng nặng:

  • Khi có triệu chứng cúm như hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, nhức đầu… cần đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với mọi người.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở. thường xuyên vệ sinh tay, mũi, họng hàng ngày sạch sẽ.
  • Có chế độ ăn uống, rèn luyện cơ thể hợp lý nâng cao sức đề kháng.
  • Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm mùa là thực hiện tiêm vaccine cúm hàng năm. Các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền mạn tính, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi cần chủ động tiêm vaccine cúm hàng năm.

Nguồn: Phương Anh (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *