Nhiều phụ huynh chủ quan với bệnh sởi, không cho trẻ tiêm vaccine sởi vì ngại con đang sốt, mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hoá…

Chị Vũ Thị Minh (ngụ Bình Dương) đang chăm 2 con mắc bệnh sởi tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết cách đây khoảng 10 ngày, con trai nhỏ (10 tháng tuổi) của chị bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, li bì, sổ mũi, phát ban. Sau 1 ngày thì con gái lớn (3 tuổi) của chị cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự.

Chị Minh chia sẻ: “Khi các trẻ có các triệu chứng như thế, gia đình cũng không nghĩ trẻ mắc bệnh sởi cho tới khi được các bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh. Bé lớn nhà tôi đã tiêm được 1 mũi vaccine sởi, còn bé nhỏ thì chưa tiêm mũi nào. Cho tới nay gia đình vẫn chưa xác định được nguồn bệnh do trẻ chưa đi học và xung quanh nhà chưa có trẻ nào mắc bệnh”, chị Minh cho biết thêm.

benh soi anh 1
Các vết ban trên chân của trẻ mắc bệnh sởi. Ảnh: Phạm Thương.

ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết đơn vị này đang điều trị nội trú cho 8 trẻ mắc bệnh sởi. Trong đó, có những trường hợp 1 gia đình có tới 2 trẻ nhập viện cùng lúc vì sởi. Qua thực tế thăm khám và điều trị các ca bệnh sởi tại bệnh viện cho thấy việc tiêm vaccine sởi chưa được các phụ huynh chú trọng và thực hiện tiêm đầy đủ cho trẻ.

“Có rất nhiều trẻ chỉ mới được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi, thậm chí có nhiều trẻ đã tới tuổi tiêm nhưng chưa được mũi nào”, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 lo lắng chia sẻ.

Nhiều phụ huynh cho hay, thời điểm trẻ đủ tuổi tiêm vaccine sởi trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, sốt… nên phụ huynh lo ngại việc tiêm vaccine sởi lúc trẻ đang bệnh có thể khiến trẻ suy yếu hơn. Vậy nên, phụ huynh né tiêm vaccine cho trẻ.

Trẻ đã mắc bệnh sởi vẫn phải tiêm vaccine sởi

Theo bác sĩ Qui, để phòng ngừa bệnh sởi, trẻ cần được tiêm vaccine phòng bệnh sởi mũi 1 lúc trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi 2 vào thời điểm trẻ 18 tháng tuổi.

benh soi anh 2
Khu vực cách ly điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Phạm Thương.

Cũng theo BS Qui, thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều phụ huynh cho rằng trẻ đã mắc bệnh sởi rồi, cơ thể trẻ đã có các kháng thể phòng ngừa sởi nên trẻ sẽ không bị sởi hoặc khả năng trẻ mắc lại bệnh sởi rất thấp

Kháng thể ở những bệnh nhân đã bị bệnh sởi có thể tồn tại bền vững, thậm chí bền vững hơn vaccine phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, kháng thể không thể bảo vệ trọn đời cho bệnh nhân, nên trẻ đã bị mắc sởi rồi vẫn có thể mắc lại. Do vậy, trường hợp trẻ đã bị mắc sởi rồi phụ huynh cũng cần cho trẻ tiêm nhắc vaccine phòng sởi.

Khi trẻ được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi có thể ngừa được khoảng từ 82-83%, khả năng trẻ bị mắc bệnh khoảng 17-18%. Vậy nên, trẻ cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2 để khả năng miễn dịch của trẻ tăng lên 95% nhằm bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.

Bác sĩ Qui cũng khuyến cáo trường hợp trẻ đã mắc bệnh sởi, sau 5-10 năm nên cho trẻ tiêm lại vaccine phòng sởi là tốt nhất. Đối với những trường hợp mà đã chích ngừa vaccine sởi thì sau khoảng 10 năm nên cho trẻ tiêm nhắc lại 1 lần.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tại TP.HCM tới nay đã có 16 quận, huyện có ca sởi. Trong đó, có 9 quận, huyện đủ điều kiện công bố dịch (2 ca trở lên). Chỉ tính riêng từ ngày 23/4-11/8 thành phố đã có gần 600 ca sốt phát ban nghi ngờ sởi. 346 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Tính từ đầu năm tới nay, TPHCM đã có 3 trường hợp không qua khỏi do sởi.

Nguồn: Phạm Thương/ Sức khỏe & Đời sống

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *