Một nghiên cứu ở các nhóm học sinh tại TP.HCM gần đây cho thấy tỷ lệ sâu răng và cận thị lần lượt là 55% và 54%.
Hơn 54% học sinh trong độ tuổi 5-19 tại TP.HCM mắc tật khúc xạ. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến và các yếu tố liên quan năm học 2023 – 2024 trên địa bàn TP.HCM”.
Nghiên cứu được thực hiện trên 1.230 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông tại 8 cơ sở giáo dục được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn TP.HCM. Các học sinh tham gia nghiên cứu được khám và phát hiện các bệnh tật học đường phổ biến gồm thừa cân – béo phì, tật khúc xạ, sâu răng và cong vẹo cột sống.
Biểu đồ các bệnh tật học đường phổ biến và các yếu tố liên quan năm học 2023 – 2024 trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: HCDC. |
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi lần lượt là 8,5% và 7%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và gầy còm lần lượt là 1,9%, 3,8% và 0,9%.
Đối với trẻ 5-19 tuổi, tỷ lệ thừa cân và béo phì lần lượt là 22% và 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm lần lượt là 3,3% và 2,9%.
Tỷ lệ mắc tật khúc xạ là 54%, với tỷ lệ ở nam và nữ lần lượt là 55% và 53%. Tỷ lệ học sinh bị sâu răng chiếm 55%. Tỷ lệ cong vẹo cột sống là 8%, trong đó mức độ nhẹ chiếm 7% và mức độ trung bình là 1%.
Theo đánh giá của HCDC, kết quả nghiên cứu này cung cấp những số liệu chính xác, kịp thời, giúp các nhà quản lý chương trình sức khỏe hoạch định chính sách và thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe học sinh sát hợp hơn với tình hình thực tế.
Trao đổi với Tri thức – Znews trước đó, ThS.BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, đánh giá tỷ lệ sâu răng trẻ em tại TP.HCM đã có sự cải thiện đáng kể, dù tỷ lệ sâu răng nói chung tại Việt Nam vẫn rất cao.
“Những năm 1990, tỷ lệ răng sâu ở trẻ em dưới 12 tuổi tại TP.HCM là 89%, trung bình mỗi trẻ có tới 3,4 răng sâu. Gần 30 năm sau, vào năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 63%, trung bình số răng sâu ở trẻ em dưới 12 tuổi chỉ còn 1,2 cái”, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết.
Đối với tỷ lệ tật khúc xạ, năm 2021, ông Nguyễn Hữu Hưng, nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay qua nhiều năm, tỷ lệ này vẫn chưa giảm, trung bình 20-30%, tùy cấp học.
Nghiên cứu “Thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến và các yếu tố liên quan năm học 2023 – 2024 trên địa bàn TP.HCM” được HCDC phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và khoa Y trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Mục đích của nghiên cứu là mở rộng hoạt động khảo sát mô hình bệnh tật học sinh các cấp, thuộc Đề án Phát triển Y tế cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030.
Nguồn: Linh Thùy (Znews)
0 Bình luận