Câu hỏi: Gần đây khu vực tôi sinh sống có vài trẻ bị tay chân miệng, được biết bệnh này rất dễ lây lan. Xin hỏi bác sĩ bệnh có triệu chứng gì và cách phòng ngừa bệnh này?

Trả lời:

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC)

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus nhẹ, thường do virus coxsackievirus gây ra. Bệnh dễ lây lan và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Trẻ em thường bị sốt và các triệu chứng giống cúm khác từ 3 đến 5 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm:

  • Sốt
  • Ăn hoặc uống ít hơn
  • Đau họng
  • Cảm thấy không khỏe

Trẻ có thể bị đau miệng và xuất hiện các vết loét như mụn nước. Những vết loét này thường bắt đầu bằng những đốm nhỏ màu đỏ, thường ở trên lưỡi và bên trong miệng, phồng rộp và có thể trở nên đau đớn.

Dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị đau khi nuốt:

  • Không ăn hoặc uống
  • Chảy nước dãi nhiều hơn bình thường
  • Chỉ muốn uống nước lạnh

Trẻ có thể bị nổi mẩn ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các vết phát ban có thể xuất hiện ở mông, chân và cánh tay. Phát ban không ngứa, nhưng đôi khi có mụn nước.

Bệnh tay chân miệng thường chỉ gây sốt và một số triệu chứng trong vài ngày. Tuy nhiên, hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất nếu:

  • Trẻ không thể uống nước bình thường
  • Sốt kéo dài hơn 3 ngày.
  • Các triệu chứng không cải thiện sau 10 ngày.
  • Trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Cha mẹ có thể thực hiện những điều sau để giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế mất nước tại nhà:

  • Sử dụng thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau do lở miệng. Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 16 tuổi dùng aspirin.
  • Vết loét miệng có thể khiến việc nuốt trở nên khó khăn. Hãy cho con uống nhiều nước như nước lọc, nước trái cây pha loãng hoặc súp loãng, để bù nước cho cơ thể.

Hiện chưa có biện pháp điều trị cụ thể cho tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa cho con như:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh
  • Hạn chế cho trẻ chạm tay vào mắt, mũi và miệng
  • Vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa
Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *