Hiện nay, thời tiết đang trở lạnh với mức nhiệt độ trung bình có lúc dưới 15 độ C, cùng thời tiết hanh khô rất khó chịu. Trong điều kiện thời tiết như vậy, trẻ nhỏ dễ bị nhiễm lạnh nếu không được chăm sóc tốt. Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi ra ngoài trời hoặc khi đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện là vô cùng quan trọng. Đã có không ít trẻ, đặc biệt là lứa tuổi sơ sinh bị hạ thân nhiệt khi đến bệnh viện, khiến trẻ đã có bệnh lại càng nặng hơn. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc và đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện trong thời tiết lạnh.

1. Đối với trẻ sơ sinh

Nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các bé sơ sinh. Do không có lượng mỡ cơ thể cần thiết để giữ ấm, nên trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt với các biểu hiện như: da đỏ hoặc nhợt nhạt, lạnh toàn thân, phù cứng bì vùng lưng, chi; Thở nhanh nông giai đoạn đầu, sau thở không đều, ngừng thở; Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; Trẻ ít cử động, lơ mơ, khóc yếu, bú kém; Có thể kèm hạ đường máu.

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Sơ sinh-Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt nhất và có nguy cơ tử vong khi ngủ trong phòng lạnh. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng nếu nhiệt độ quá ấm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Bác sĩ cung cấp)

2. Đối với lứa tuổi lớn hơn

Khi nhiệt độ môi trường thấp, trẻ lớn hơn có thể ra ngoài trời được hay không? Câu trả lời là có. Trẻ em trên một tuổi có thể an toàn chơi ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý nên cho con mang quần áo ấm, mũ, găng tay, giày ấm và chỉ nên ở ngoài trời khoảng 20-30 phút mỗi lần. Nếu nhiệt độ dưới 5 độ C, không nên cho trẻ ra ngoài.

Cần chú ý những dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt ở trẻ lớn như: run rẩy tay chân, mất phương hướng, nói lắp, da trắng hoặc xám tái…

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

3. Nhóm trẻ nào có nguy cơ hạ thân nhiệt nhất?

Đối tượng có nguy cơ hạ thân nhiệt nhất là:

  • Trẻ sinh non, đẻ ngạt
  • Trẻ có bệnh lý nhiễm trùng nặng.
  • Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi
  • Trẻ được chăm sóc trong môi trường có nhiệt độ thấp, gió lùa, quần, áo, tã ướt không được thay thường xuyên. Trẻ được tắm lâu, tắm bằng nước lạnh.

4. Đề phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ em, bố mẹ cần lưu ý những điều gì?

Ảnh phương pháp ủ ấm da kề da (Nguồn: Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi TW)

  • Cho ăn đúng giờ, đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Đặt giường của trẻ ở nơi ấm, không có gió lùa và trẻ cần được mặc ấm.
  • Tránh làm cho trẻ lạnh sau khi tắm hoặc trong quá trình thăm khám.
  • Thay tã, quần áo, giường ướt để giữ trẻ và giường luôn khô ráo. Đối với trẻ sơ sinh, có thể sử dụng phương pháp Kangaroo, hay còn gọi là phương pháp ủ ấm da kề da.
  • Lau khô trẻ sau khi tắm.
  • Sử dụng đèn sưởi cẩn thận, không sử dụng chai nước nóng hoặc đèn huỳnh quang.

5. Khi vận chuyển trẻ đi khám trong thời tiết lạnh, bố mẹ và nhân viên vận chuyển cần lưu ý?

  • Nên dùng xe ô tô kín gió, có điều hoà (25-28°C). Cho trẻ mặc quần áo ấm phù hợp. Thường xuyên cho trẻ bú mẹ.
  • Nếu trẻ có hạ thân nhiệt (dưới 36°C) hoặc thuộc đối tượng nguy cơ hạ nhiệt độ (sơ sinh, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bệnh nặng), cần có xe vận chuyển cứu thương chuyên dụng có lồng ủ ấm, nhiệt độ trong lồng từ 35-36 °C. Tiếp tục cho trẻ ăn qua ống thông dạ dày để cung cấp đủ năng lượng. Trường hợp trẻ cần duy trì truyền tĩnh mạch, dịch truyền cần được làm ấm trước khi sử dụng.
  • Trên đường vận chuyển, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cho trẻ (1giờ/lần), thay quần, áo, tã bị ướt.

BSCKII. Phạm Thị Thanh Tâm – Phó trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung Ương)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *