Thời tiết giao mùa, thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây viêm màng não, viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock

Viêm phổi gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ

Theo thống kê của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, viêm phổi cướp đi tính mạng của nhiều trẻ em hơn bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác. Trong năm 2019, viêm phổi chiếm 14% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và chiếm 22% tổng số ca tử vong ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi, khiến 740.180 trẻ em, tương đương 2.000 trẻ tử vong mỗi ngày, trong đó có khoảng 190.000 trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, viêm phổi cũng đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em với khoảng 4.000 trẻ tử vong và 2,9 triệu ca mắc mỗi năm.

Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tuổi là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, tràn mủ màng phổi, viêm màng não, suy hô hấp cấp, tràn dịch màng tim, trụy tim…

Viêm phổi do nhiều tác nhân gây ra như virus cúm, sởi, thủy đậu, vi khuẩn phế cầu, ho gà, Haemophilus influenzae týp B (Hib). Viêm phổi do Hib thường khởi phát âm thầm với các triệu chứng như sốt, ho và có đờm mủ. Viêm phổi cũng là biến chứng thường gặp nhất của ho gà và dễ gây tử vong đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi.

Viêm màng não để lại nhiều di chứng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm màng não là tình trạng viêm các mô xung quanh não và tủy sống. Viêm màng não có thể do một số loại vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng gây ra. Trong đó, viêm màng não do vi khuẩn là nguy hiểm và phổ biến nhất, có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Mặc dù điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong cũng rất cao, lên đến 15%. 

Cứ 5 người thì có một người sống sót sau một đợt viêm màng não do vi khuẩn có thể để lại di chứng lâu dài như điếc, co giật, yếu tay chân, mù lòa, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, sẹo và cắt cụt chi do nhiễm trùng huyết. 

Có 4 tác nhân vi khuẩn hàng đầu gây viêm màng não là Hib, não mô cầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm B. Viêm màng não có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, chưa có miễn dịch bảo vệ từ vắc xin là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của WHO và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2000 có 625 trường hợp mắc viêm màng não do Hib. Trẻ bị viêm màng não có các biểu hiện sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… nên dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, bỏ lỡ thời gian can thiệp sớm.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, theo các nghiên cứu, các vi khuẩn gây bệnh trú ở vùng mũi họng, người mang mầm bệnh không triệu chứng là nguồn lây và phát tán chính các vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn, ho gà, não mô cầu… Do đó, rất khó nhận biết người bệnh để cách ly bảo vệ trẻ. Các vi khuẩn này còn có tình trạng kháng kháng sinh ngày càng cao, gây khó khăn và tốn kém chi phí điều trị.

Tiêm chủng cho trẻ nhỏ giúp phòng hai căn bệnh viêm phổi và viêm màng não cho trẻ ở giai đoạn đầu đời. Ảnh: Shutterstock
Tiêm chủng cho trẻ nhỏ giúp phòng hai căn bệnh viêm phổi và viêm màng não cho trẻ ở giai đoạn đầu đời. Ảnh: Shutterstock

Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não do Hib, ho gà, phế cầu khuẩn được tiêm ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi. Hiện Việt Nam có vắc xin phối hợp 6 trong 1 sử dụng trong chương trình Tiêm chủng dịch vụ phòng 6 bệnh viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib chỉ trong một mũi tiêm. Vắc xin có thành phần ho gà vô bào nên hạn chế phản ứng sốt, đau sau tiêm cho trẻ.

Vắc xin 6 trong 1 có 2 loại: Loại của Pháp ở dạng pha sẵn, loại của Bỉ sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vắc xin đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau. Ba mẹ hãy tham vấn bác sĩ khi đưa con đi tiêm chủng và quan trọng là cần tiêm đủ liều và đúng lịch cho con.

Các loại vắc xin đều cần tiêm đầy đủ số mũi và đúng lịch. Hiện vắc xin 6 trong 1 tiêm cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và được tiêm nhắc khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi, cần hoàn thành 4 mũi trước 2 tuổi.

D.KHOA (Tuổi trẻ online)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *