Trẻ em có thể bị hôi miệng do nhiều nguyên nhân như vệ sinh răng miệng kém, ăn thực phẩm có mùi đặc trưng hoặc mắc bệnh tai mũi họng.

Trẻ thường bị hôi miệng tạm thời, hết sau khi đánh răng. Song hơi thở nặng mùi kéo dài có thể do một số tình trạng sức khỏe khác.

Thực phẩm có mùi đặc trưng

Hôi miệng ở trẻ em có thể xảy ra do thức ăn như các loại rau họ hành tỏi. Sau khi tiêu hóa, các phân tử có mùi đi vào máu, thoát ra ngoài qua phổi và hô hấp.

Cá, phô mai, thịt và các thực phẩm giàu protein cũng gây ra mùi hơi thở đặc trưng. Thực phẩm kết cấu cứng, dẻo như chocolate, kẹo, khoai tây chiên, trái cây sấy có thể bị mắc kẹt trong răng sau ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu phát triển.

Vệ sinh răng miệng kém

Đánh răng không đúng cách khiến thức ăn còn sót lại trong miệng. Không vệ sinh răng miệng đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng ở trẻ như sâu răng, bệnh nướu răng. Chúng đều khiến hơi thở có mùi khó chịu.

Khô miệng

Nước bọt giúp làm sạch miệng, loại bỏ vi khuẩn và axit gây sâu răng. Trẻ bị khô miệng có nguy cơ hôi miệng, sâu răng cao hơn do các mảnh vụn thức ăn cùng vi khuẩn tồn tại trong miệng lâu hơn. Mất nước, thở bằng miệng, thời tiết nóng, uống một số loại thuốc hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn là nguyên nhân khiến miệng khô.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ dưới một tuổi. Nguyên nhân là trong 6 tháng đầu đời, trẻ nằm nhiều, ăn thực phẩm dạng lỏng. Cơ thắt thực quản dưới vẫn chưa phát triển hoàn toàn để thực hiện đầy đủ chức năng. Ngoài ra, hệ thống tiêu hóa chưa hoàn hiện nên bé dễ bị trào ngược hơn. Giai đoạn bé biết đi và ăn được nhiều loại thức ăn đặc, trào ngược axit sẽ cải thiện.

Dị vật trong mũi

Tình trạng này thường có các triệu chứng như sổ mũi kèm theo mùi hơi thở khó chịu. Do tò mò hoặc chưa nhận thức được tác hại, trẻ em dễ nhét các vật lạ như các loại hạt, mảnh ghép đồ chơi xếp hình, mẩu thức ăn vào mũi. Nếu không phát hiện sớm dẫn đến nhiễm trùng. Phụ huynh không tự lấy dị vật ra khỏi mũi trẻ mà nên đưa con tới bệnh viện chuyên khoa để thực hiện.

Bệnh lý ở miệng, tai mũi họng

Mùi hơi thở ở trẻ còn do các bệnh lý liên quan đến răng miệng, tai mũi họng gây ra.

Viêm xoang xảy ra do các khoang xung quanh đường mũi bị viêm. Nguyên nhân viêm có thể do virus, vi khuẩn, nấm hoặc dị ứng. Bệnh nhiễm trùng xoang làm tăng lượng chất lỏng trong đường mũi, cổ họng, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Viêm amidan là bệnh nhiễm trùng làm cho amidan có màu đỏ và sưng lên. Viêm amidan thường xảy ra ở trẻ trên hai tuổi do virus hoặc vi khuẩn.

Viêm nướu làm tích tụ mảng bám vi khuẩn xung quanh đường viền nướu. Nướu bị sưng, kích ứng và hơi thở có mùi hôi. Lười vệ sinh răng miệng hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ viêm nướu ở trẻ.

Sâu răng khiến cho thức ăn mắc kẹt ở phần răng bị tổn thương, làm tăng khả năng sản sinh vi khuẩn xấu, dẫn đến mùi khó chịu. Các bệnh nhiễm trùng răng khác như áp xe răng hoặc lở miệng cũng là tác nhân.

Điều trị chứng hôi miệng ở trẻ em tùy thuộc vào nguyên nhân. Thực hành vệ sinh răng miệng tốt, hai lần mỗi ngày và đi khám nha khoa định kỳ có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này. Phụ huynh hướng dẫn trẻ ăn uống lành mạnh, hạn chế tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có đường, uống nhiều nước để giữ ẩm cho miệng.

Nguồn: Bảo Bảo (Theo Medical News Today)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *