Việc tuân theo chế độ dinh dưỡng phù hợp góp phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ.
Tiêu chảy là bệnh tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Ảnh: Freepik. |
Tiêu chảy là vấn đề rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. TS.BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ ra bệnh có thể được phân biệt dựa trên 2 dấu hiệu sau đây:
- Trẻ đi tiêu từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ
- Phân lỏng và có hình của vật chứa (dùng vật chứa phân có hình gì thì phân sẽ thay đổi thành hình đó)
Có 2 cách để phân loại tiêu chảy là dựa trên thời gian và tính chất của phân.
Theo thời gian:
- Người bị tiêu chảy trong vòng 14 ngày được gọi là tiêu chảy cấp.
- Các trường hợp bị tiêu chảy 14-30 ngày được gọi là tiêu chảy kéo dài.
- Người bị tiêu chảy từ 30 ngày trở lên được gọi là tiêu chảy mạn tính.
Theo tính chất của phân:
- Tiêu chảy nhưng phân lỏng, toàn nước thì sẽ được gọi là tiêu chảy cấp phân nước.
- Tiêu chảy trong phân có máu thì sẽ được gọi là tiêu chảy cấp phân máu hoặc lỵ.
Bệnh tiêu chảy có thể khiến một số loại men trong đường tiêu hóa, đặc biệt là men lactase mất đi chức năng. Đây là loại men giúp cơ thể dung nạp đường lactose.
Hầu hết trường hợp bị tiêu chảy trước ngày thứ 7 sẽ không gặp vấn đề này. Bên cạnh đó, trẻ bị tiêu chảy do các tác nhân thông thường ở mức độ nhẹ cũng không ảnh hưởng đến chức năng men. Đây là những trường hợp không cần phải đổi sữa cho trẻ.
Ngược lại, trong một số trường hợp, trẻ vẫn bình thường khi ăn thức ăn đặc nhưng uống sữa vào sẽ bị tiêu chảy ồ ạt. Đó là dấu hiệu gián tiếp em bé đang mất men lactase.
Lúc này, phụ huynh nên nên đổi sang sử dụng sữa không có đường lactose vì cơ thể không thể dung nạp được nữa. Loại sữa này thường chỉ được uống ngắn hạn theo kê đơn của bác sĩ.
Đối với những trường hợp trẻ tiêu chảy trên 14 ngày, niêm mạc ruột đã tổn thương và men lactase đã hư thì sữa chống tiêu chảy sẽ được kê thường quy
Nguồn: Kỳ Duyên (Znews)
0 Bình luận