Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo cho hay nếu mẹ bị lao, tỷ lệ không qua khỏi của trẻ tăng gấp 8 lần.

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nôi), cho biết lao (TB) là bệnh truyền nhiễm, do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Chúng lây lan khi những người bị bệnh lao phát tán vi khuẩn vào không khí (ví dụ bằng cách ho).

Bệnh lao tấn công trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Ước tính 1/4 dân số thế giới nhiễm lao, khoảng 10% nhiễm lao sẽ tiến triển thành bệnh lao. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, toàn thế giới có khoảng 9 triệu ca lao mới mỗi năm. Trong số đó có 10% là trẻ em.

Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người không qua khỏi vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc.

dau hieu benh lao anh 1
Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ảnh: Freepik.

“Gia đình bệnh nhân phải đối mặt với những ‘chi phí thảm họa’ (nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình). 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung”, bác sĩ Phương Thảo nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 70 đến 80 ca bệnh lao. Tập trung là những ca lao nặng, khó chẩn đoán. Trong đó, gồm các thể lao phổi – màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%), lao xương, lao hạch.

Hầu hết trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ (<5 tuổi) và bệnh khởi phát trong vòng 2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh (đa số trong 1 năm).

Bác sĩ Thảo cũng cho hay tỷ lệ nhiễm lao cao ở những trẻ em bị phơi nhiễm. Bên cạnh đó, tỷ lệ không qua khỏi ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với bệnh nhi sống trong gia đình không mắc bệnh lao. Nếu mẹ bị lao, tỷ lệ không qua khỏi của trẻ tăng gấp 8 lần.

Triệu chứng cảnh báo bệnh lao ở trẻ

Theo bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, không ít trẻ có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác khi trẻ có tiền sử tiếp xúc gần gũi với người bệnh lao phổi, trong vòng 1-2 năm gần đây.

dau hieu benh lao anh 2
Để phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine BCG (Bacillus Calmette – Guérin) cho bé. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó, bệnh nhi thường có triệu chứng lâm sàng nghi lao sau:

  • Triệu chứng toàn thân: Sốt, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi/ giảm chơi đùa, chán ăn, không tăng cân/sụt cân/suy dinh dưỡng.
  • Triệu chứng cơ năng: Tùy thuộc vào cơ quan mắc lao như ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp… Các triệu chứng thường kéo dài trên 2 tuần, không cải thiện với liệu pháp điều trị khác.

Theo bác sĩ Thảo, việc điều trị lao ở trẻ em cũng giống như người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ phải tuân thủ điều trị cho con đúng hướng dẫn của bác sĩ, đủ thời gian (6-9 tháng), liều lượng thuốc, phác đồ thì bệnh mới ổn định.

Bệnh lao trẻ em có thể chữa khỏi được với hoá trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót).

“Tuy nhiên, bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị. Chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Nhiễm lao kháng thuốc dẫn đến khó khăn trong việc điều trị, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ di chứng. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ điều trị để phòng bệnh lao kháng thuốc”, BS Thảo khuyến cáo.

Nguồn: Phương Anh (Znews)

Chuyên mục: Nhi Khoa

0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *