Phế cầu gây viêm màng não, viêm phổi sống ở trong vùng mũi họng có đúng không? Trẻ từ mấy tháng được tiêm vaccine phòng bệnh này? (Nam Khánh, 35 tuổi, Hà Nam)
Trả lời:
Vi khuẩn phế cầu xuất hiện quanh năm, phát triển thuận lợi vào mùa lạnh, đặc biệt các tháng đầu năm hoặc cuối năm, mùa đông xuân. Vi khuẩn có ở trong vùng mũi, họng của người bệnh và người khỏe mạnh, lây cho người khác khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) khu trú tại vùng mũi, họng của 5-90% dân số khỏe mạnh do có khả năng bám dính đặc trưng vào các tế bào biểu mô ở vùng này.
Thông thường, vi khuẩn không gây bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy yếu, niêm mạc bị tổn thương do cúm, Covid-19, virus hợp bào hô hấp, adenovirus… phế cầu sẽ nhân cơ hội xâm lấn các cơ quan. Từ đó vi khuẩn gây viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, có thể đi vào máu gây ra nhiễm khuẩn huyết.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu dễ bị phế cầu khuẩn tấn công gây bệnh. Viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ tử vong lên đến trên 50% ở trẻ nhỏ. Viêm màng não cũng có tỷ lệ tử vong trên 50% trong tổng số bệnh nhi tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi. 30-50% trẻ mắc viêm màng não do phế cầu sống sót phải chịu đựng những di chứng lâu dài như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ…
Vaccine là một trong những biện pháp phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Phụ huynh lưu ý cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản, lịch nhắc đúng thời điểm theo chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả cao nhất.
Hiện Việt Nam có hai vaccine phòng các bệnh do phế cầu, có thể tiêm sớm cho trẻ ngay từ 6 tuần tuổi, tạo miễn dịch bảo vệ đến 97%. Tùy độ tuổi và tùy loại, trẻ sẽ có phác đồ tiêm khác nhau.
Bên cạnh tiêm ngừa vaccine, phụ huynh cần che chắn cơ thể trẻ trong mùa mưa vào mùa lạnh, cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu ít nhất 6 tháng đầu đời, giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Người thân trong gia đình cũng cần chủng ngừa để giúp giảm nguy cơ mắc và lây nhiễm các bệnh do phế cầu khuẩn.
Nguồn: Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa (vnexpress)
0 Bình luận