Bệnh lây lan qua tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus gây bệnh trong không khí, được phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi, hoặc nói chuyện.
Bệnh viêm mũi họng ở trẻ em lây lan qua tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus gây bệnh trong không khí, được phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi, hoặc nói chuyện. Ảnh minh hoạ. |
Viêm mũi họng ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm và sưng tấy ở mũi, hầu hoặc cổ họng của trẻ. Bệnh lây lan qua tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus gây bệnh trong không khí, được phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi, hoặc nói chuyện.
Nguyên nhân gây viêm mũi họng ở trẻ
Hầu hết trường hợp viêm mũi họng ở trẻ em là do virus như Adeno virus, Rhino virus… và một số ít trường hợp do vi khuẩn như liên cầu khuẩn gây ra.
Khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể qua mũi và hầu (những con đường mà không khí từ bên ngoài vào phổi), chúng sẽ làm rối loạn các hoạt động bình thường của mũi, làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng viêm mũi họng ở trẻ:
Môi trường sống có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Trẻ em sống trong môi trường ô nhiễm sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như viêm mũi họng. Hơn nữa sự thay đổi đột ngột của môi trường cũng có thể làm cho trẻ khó thích nghi, dẫn đến việc dễ bị nhiễm bệnh. Cụ thể như:
Sự thay đổi thời tiết thất thường, chẳng hạn buổi sáng nắng, buổi chiều mưa, hoặc khi nhiệt độ giảm đột ngột. Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá. Trẻ thường xuyên đến những nơi đông người như nhà trẻ, trường học. Trẻ trong giai đoạn cai sữa hoặc tập ăn dặm. Không gian sống ẩm mốc. Tiếp xúc với lông chó, mèo hoặc các loài vật nuôi khác.
Nguyên nhân hay gặp nữa là vi khuẩn, virus, nấm gây viêm mũi họng ở trẻ em, trong đó Rhinovirus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm từ 10 – 40% các trường hợp. Ngoài ra, các loại virus khác như virus cúm, sởi, Adenovirus… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, viêm mũi họng ở trẻ cũng có thể do vi khuẩn và nấm gây ra, chẳng hạn như vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu… Trong đó liên cầu khuẩn nhóm A (S. Pyogenes) là loại vi khuẩn phổ biến, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trẻ mắc bệnh do loại vi khuẩn này có nguy cơ gặp các biến chứng như viêm khớp cấp và viêm cầu thận cấp.
Nguyên nhân hay gặp là vi khuẩn, virus, nấm gây viêm mũi họng ở trẻ em. |
Biểu hiện viêm mũi họng ở trẻ
Sau 1-3 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự như cảm lạnh, bao gồm:
- Hắt hơi;
- Đau họng, viêm họng, họng sưng đỏ;
- Nghẹt mũi, sổ mũi (nước mũi ban đầu loãng, không màu, không mùi, sau đó chuyển thành màu xanh, đặc và có mùi tanh);
- Ho (ban đầu là ho khan, sau đó chuyển thành ho có đờm);
- Mệt mỏi.
Ngoài ra, người bệnh nhức mỏi toàn thân; Sốt nhẹ (trong một số trường hợp, trẻ có thể sốt cao từ 39-40 độ C); Đau đầu; Chán ăn. Các triệu chứng này khiến trẻ cảm thấy khó chịu và thường kéo dài từ 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể như: Trẻ bị viêm mũi họng do virus, phát ban dạng virus, ho, tiêu chảy, viêm kết mạc, chảy nước mũi… Trẻ bị viêm mũi họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A: Sốt cao (trên 38.5 độ C), họng sưng đỏ, amidan sưng tiết dịch trắng, hạch cổ sưng đau…
Phòng tránh viêm mũi họng ở trẻ
Bệnh viêm mũi họng ở trẻ em lây lan qua tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus gây bệnh trong không khí, được phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi, hoặc nói chuyện.
Để phòng tránh bệnh, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau: Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khử khuẩn. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh viêm mũi họng. Vệ sinh kỹ lưỡng không gian sống, khu vực trẻ thường chơi đùa và các đồ chơi của trẻ. Tránh cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác. Khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi, trẻ nên dùng giấy che miệng và mũi, sau đó vứt giấy vào thùng rác và rửa tay ngay lập tức.
Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các mũi vaccine cho trẻ theo khuyến cáo; Thường xuyên vệ sinh mũi và miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Tránh cho trẻ đưa tay lên mặt, đặc biệt là vùng mũi và miệng. Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực, bàn chân và bàn tay. Đảm bảo môi trường sống của trẻ trong lành, không có ẩm mốc, khói bụi và khói thuốc lá.
Chế độ dinh dưỡng cần chú ý đối với trẻ bị viêm mũi họng là duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, điều này rất quan trọng, có thể thay thế các món ăn hàng ngày bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu và dễ nuốt, nhưng vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất cho trẻ. Đồng thời, mẹ nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với lượng thức ăn ít hơn mỗi bữa để đảm bảo trẻ ăn đủ no mà không bị quá no. Lưu ý cha mẹ không nên ép trẻ ăn quá nhiều, vì điều này có thể làm trẻ cảm thấy khó chịu và sợ ăn.
Ngoài ra, để giúp trẻ giảm ho, cha mẹ có thể sử dụng các phương pháp trị ho tự nhiên như mật ong, chanh, gừng… Những biện pháp này không chỉ an toàn mà còn có thể giúp làm dịu cổ họng và giảm bớt các triệu chứng khó chịu cho trẻ.
Nguồn: BS. Trần Anh Tuấn / Sức khỏe & Đời sống (Znews)
0 Bình luận